Tạo ra giá trị tích cực từ phong trào 'Kế hoạch nhỏ'

(CTG) Ngày 30/8, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Hội nghị lần thứ ba, khóa VIII, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

 

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bảo Anh

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về 4 nội dung: Kế hoạch ĐH Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020; kế hoạc triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2019 – 2023; kế hoạch thực hiện đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2020; bảng đối chiếu sửa đổi, bổ sung Quy chế Thi đua, Khen thưởng của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tình hình trẻ em 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bên cạnh việc trẻ em được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm, chăm lo, dành mọi điều kiện tốt nhất cho các em được học tập, rèn luyện, vui chơi, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy tình trạng đuối nước, tai nạn, thương tích và xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tập. Hội đồng Đội T.Ư đã nhận được 182 báo cáo của 52 tỉnh, thành đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó có 94 vụ đuối nước, 25 vụ tai nạn, thương tích, 63 vụ xâm hại trẻ em, với tổng số 388 nạn nhân.

“1 kg giấy vụn trồng được 1 cây xanh”

Bàn về Kế hoạch triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2019 – 2023, các đại biểu đều thống nhất quan điểm tiếp tục duy trì phát triển phong trào trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện, do suy nghĩ chưa đúng đắn của một số phụ huynh, “Kế hoạch nhỏ” bị biến tướng tạo ra dư luận không tốt, thậm chí có những em học sinh đi mua lại phế liệu ở các địa điểm bán đồng nát để nộp lại cho nhà trường. Vì thế, cần có các chương trình, hình thức triển khai thiết thực, thông qua các hình thức trao đổi hàng hóa, đồ dùng học tập, khuyến khích lao động trẻ em,

Ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Bộ Tư pháp cho rằng, tên phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ thiếu nhi, những người làm công tác Đội cũng như dư luận xã hội. Ảnh: Bảo Anh

Ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Bộ Tư pháp cho rằng, tên phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ thiếu nhi, những người làm công tác Đội cũng như dư luận xã hội, vì thế cần giữ nguyên tên gọi này, điều quan trọng là thời gian tới, Hội đồng Đội T.Ư sẽ thiết kế, định hướng phát triển phong trào như thế nào, tập trung vào những nội dung gì.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thứ Mười, Hiệu trưởng trường Lê Duẩn đề xuất, cần duy trì phong trào “Kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường,chia sẻ, giúp đỡ thiếu nhi có cảnh khó khăn. Theo ông Mười, điều quan trọng nhất để phát huy được giá trị thực sự của phong trào này là thay đổi hành vi, ý thức tham gia phong trào, làm sao để các em học sinh tham gia phong trào này một cách tự nguyện, tự giác. Hội đồng Đội T.Ư không nên giao chỉ tiêu cho trường, cho liên đội, cho học sinh mà cần có hình thức khuyến khích tham gia phong trào một cách tích cực. Một trong những giải pháp đó, theo anh Mười cần giáo dục cho các em thấy được giá trị tích cực của phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Tuyên truyền cho các em hiểu được “1kg giấy vụn trồng được 1 cây xanh, cứu được 1 cây xanh là cứu được cả 1 cánh rừng và cứu cả tài nguyên đất nước” để các em thấy được một việc làm nhỏ như vậy nhưng tạo ra giá trị lớn. Bên cạnh đó, theo anh Mười, nên bố trí một đầu mối thu mua giấy vụn để tránh tình trạng khi bán ra thị trường không kiểm soát được, và thu mua nhanh để tránh tình trạn ùn ứ, cháy nổ.

Tạo dấu ấn, độ lan tỏa của Cháu ngoan Bác Hồ

Ông Nguyễn Thứ Mười, Hiệu trưởng trường Lê Duẩn đề xuất, cần duy trì phong trào “Kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường,chia sẻ, giúp đỡ thiếu nhi có cảnh khó khăn. Ảnh: Bảo Anh

Trong năm 2020 sẽ diễn ra ĐH Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX. Theo kế hoạch dự kiến ĐH Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020 sẽ tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 15-18/7/2019, tại 2 địa điểm: Hà Nội và Nghệ An, gồm 370 đại biểu, trong đó 280 đại biểu là những thiếu nhi xuất sắc của các tỉnh, thành phố; các tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, có thành tích đặc biệt trong cuộc vận động: “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Bộ Tư pháp đề xuất, với ĐH Cháu ngoan Bác Hồ bên cạnh các hoạt động giao lưu, tham quan, Ban tổ chức nên thiết kế chương trình để các đại biểu thiếu nhi thực hiện công trình, sản phẩm mang tên, dấu ấn của thiếu nhi Việt Nam nhằm tạo ra giá trị bền vững, lâu dài.

Nhiều đại biểu cũng thống nhất, ĐH Cháu ngoan Bác Hồ cần có những hoạt động tạo điểm nhấn, tạo ra sự lan tỏa, như tổ chức các hoạt động đồng hành, cuộc thi làm clip, mô hình, gương mặt tiêu biểu đại hội cháu ngoan Bác Hồ.

Theo TP