Thanh niên sống xanh bằng cách tối giản tủ quần áo, mua đồ si

(CTG) Sống xanh không chỉ là ngưng xả rác, nói không với đồ nhựa, túi nilông mà nhiều bạn trẻ đã bắt đầu thay đổi cả thói quen ăn mặc: mua đồ si, tối giản tủ quần áo, chọn 'ăn chắc mặc bền' hay 'thời trang chay'...

Đó là khi các bạn trẻ nhận ra ngành công nghiệp thời trang với thừa mứa hàng hóa cũng gây ô nhiễm môi trường chẳng kém gì đồ nhựa.

Mua đồ si là một cách “mặc xanh”

Mặc: từ tiết giảm tới tối giản

Quần sọc jean, áo ren rộng thùng thình, đó là thời trang công sở của Ngọc Mai (29 tuổi) - một cô gái trẻ làm nghề viết kịch bản phim ở TP.HCM.

"Bộ trang phục trên người tôi chưa tới 200.000 đồng được mua từ mấy cái shop đồ cũ mà tôi tình cờ gặp đâu đó trên đường. Đã hai năm nay tôi không mua quần áo mới. Chỉ thỉnh thoảng mua đồ si cho cả khi đến văn phòng và những chuyến đi chơi" - Mai thoải mái kể về "lai lịch" bộ quần áo trên người mình.

Cô là một trong nhiều người trẻ đang thực hành "mặc xanh". "Tôi đọc thông tin về ô nhiễm do sản xuất, dệt, nhuộm vải gây ra và nhận ra mình đang có cả núi đồ. Có cái váy chỉ mặc đi đám cưới 1-2 lần, những cái áo mua về trong xó tủ còn chẳng xé tag. Nhiều năm trời tôi đúng kiểu những cô gái đứng trước mấy tủ quần áo đầy ắp mà vẫn không thấy có gì mặc" - Mai kể.

Cô có một cái tủ lớn bốn cánh đầy ắp quần áo và một cái sào rộng 1,4m nặng trĩu. Mai bắt đầu sắp xếp lại tủ đồ, để lại những món vẫn mặc thường xuyên, cho đi rất nhiều đồ cũ và những món đồ không mặc tới.

"Mất cả năm đầu tiên, cái tủ quần áo chẳng có mấy thay đổi vì tôi vẫn không kiềm chế mua thêm đồ mới. Thỉnh thoảng tôi vẫn cho đi hàng bao đồ. Đến bây giờ tôi chỉ còn khoảng 30 bộ cho tất cả nhu cầu và nếu cần thay thế món nào đó tôi sẽ chọn mua đồ si" - Mai kể.

Không ít người trẻ cũng đang tự hình thành thói quen "mặc xanh" như Mai. Khoảng hai năm nay, Anda Đài Huỳnh (26 tuổi, ngụ Cần Thơ) cũng "đoạn tuyệt" với đồ mới mà chủ yếu mua đồ si. Cô rành hầu hết các địa chỉ bán đồ si ở Cần Thơ.

"Ngày nay mọi thứ quá tiện và có quá nhiều lựa chọn với quần áo mới. Chỉ cần ngồi một chỗ là order được. Nếu mua đồ si chúng ta sẽ giảm sức cầu, tăng thêm thời gian sử dụng của món đồ thay vì để nó đi thẳng ra bãi rác. Mặc đồ si thậm chí có nhiều lựa chọn hơn mà giá cả còn rẻ hơn rất nhiều nữa" - Anda chia sẻ.

Nếu có bạn bè nào hỏi han khi thấy cô mặc những phong cách lạ mà họ chưa từng thấy ở đâu thì Anda cũng tranh thủ "lôi kéo" thêm khách hàng cho những shop second-hand.

"Tôi cũng gặp gỡ nhiều bạn bè ở Thái Lan, Campuchia, nghe họ nói về sống xanh và được truyền cảm hứng. Trên khắp thế giới và ở nhiều thành phố của Việt Nam, rất nhiều người đang thay đổi bản thân mỗi ngày để ít làm hại đến môi trường hơn và họ là những cái chấm xanh ở khắp nơi. Tôi cũng muốn Cần Thơ có một cái chấm xanh như thế" - Anda chia sẻ.

Bí quyết "mặc xanh"

Tự nhận là người thích thời trang nhưng Nguyễn Thanh Phương, 20 tuổi, sinh viên năm 4 ĐH Hoa Sen (TP.HCM), cũng có tủ đồ với con số khiêm tốn khoảng 30 cái cả quần và áo. Trước đây Phương từng là cô gái "tháng mua đồ 2-3 lần, mùa sale thì mua nhiều hơn, lúc nào cũng 'bơi' trong tủ đồ mỗi khi cần ra ngoài".

"Tôi thích thời trang, nhiều năm thử nhiều loại thời trang khác nhau và nhận ra xu hướng ăn mặc đơn giản là bền vững nhất, không bao giờ lỗi mốt, không cần phải theo mùa, lúc nào cũng "on trend" (cập nhật xu hướng)" - Phương nói thêm.

Từ một cô gái thích mặc đồ màu sắc bắt mắt, Phương bắt đầu chọn đồ đơn giản hơn, trơn màu hoặc màu trầm, tối để phối được nhiều kiểu.

"Tưởng chừng nhàm chán nhưng 30 cái có thể phối được cả trăm kiểu chỉ với vài thay đổi nhỏ hoặc cách kết hợp khác nhau. Ví dụ một cái áo sơmi, chỉ cần mặc thêm một cái croptop (áo lửng ngang rốn) bên trong, cột tà là ra một kiểu khác, hay cũng cái sơmi ấy, bỏ nửa vạt trước vào quần jean là đã ra một kiểu khác" - Phương "bật mí".

"Tăng xin giảm mua", nếu mua sẽ chọn mua đồ tốt có chất vải "thân thiện môi trường" lại là phương án của nhiều người đang thực hành "mặc xanh".

"Nhà mình có ba người: hai vợ chồng với con gái 3 tuổi. Vợ chồng mình rất hạn chế mua đồ mới mà chủ yếu mặc đồ được cho. Đồ người khác cho không phải lúc nào cũng hợp nên mình cũng cho lại người khác" - chị Nguyễn Thị Gia Hoàng (32 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) kể.

Thậm chí chồng chị còn là người tiên phong "mặc xanh" hơn cả, ít đồ nhất nhà. Chị chỉ có trên dưới 20 món đồ đi làm, đi chơi dù chị cũng làm công việc văn phòng. Chồng chị chỉ có chừng 10 món, riêng con gái vì còn nhỏ, phải thay đổi nhiều nên nhiều hơn nhưng hầu hết là đồ nhận từ người khác.

Tuy nhiên không phải lúc nào đồ cũ được cho cũng đủ cho mọi nhu cầu. Họ vẫn mua thêm một số quần áo để đi làm nhưng ưu tiên đồ chất lượng, mặc 5-10 năm.

"Biết là trồng bông cũng gây hại môi trường nhưng nếu phải mua đồ thì cotton vẫn là lựa chọn tốt nhất vì ít nhất nó dễ phân hủy hơn các loại sợi tổng hợp từ dầu mỏ. Chồng tôi có thói quen sửa đồ. Anh ấy còn mua máy may và đang tập sử dụng. Nếu quần áo rách hay có lỗ nhỏ thì vá, không được mới đi mua đồ mới" - chị kể.

Gia đình chị cố gắng thải rác ra ngoài môi trường ít nhất có thể, tự làm phân hữu cơ từ đồ ăn thừa.

 

Theo TTO