Thanh niên thể hiện lòng yêu nước thông qua hành động

(CTG) Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, chiều nay 11/12, Đại biểu đã chia làm 12 tổ thảo luận với 6 nhóm chuyên đề để góp ý kiến về công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay và phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

 

Tham dự Diễn đàn số 1 có anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII; cùng 150 đại biểu là thanh niên ưu tú tham dự Đại hội.

Nhằm giúp hội viên, thanh niên nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị của nội hàm Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Tại Diễn đàn “Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh” các đại biểu sẽ đóng góp vào thực trạng và giải pháp của các cấp bộ Hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng; học tập và làm theo lời Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực; giải pháp đổi mới phương thức giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động kỷ niệm của tổ chức Đoàn, Hội nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; giải pháp vận động thanh niên nâng cao nhận thức chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia, không ngừng giác ngộ lý tưởng, bồi đắp niềm tin về con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Quang cảnh Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh".

Qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, hướng theo ngọn cờ cách mạng của Đảng và Bác Hồ, chiến đấu hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng gánh vác công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, thanh niên Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng phấn đấu, lập nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi đạo đức cách mạng, lập thân, lập nghiệp, xung kích đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một bộ phận thanh niên có những biểu hiện chưa tích cực như: sống thiếu lý tưởng, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần; có thái độ thờ ơ, vô cảm trước những điều xấu, sai trái, những sự việc cần sự sẻ chia; thiếu ý chí phấn đấu, vượt qua khó khăn, trở ngại, có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa; dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn, hoạt động trái pháp luật…

Trong thời gian qua, mặc dù tổ chức Hội các cấp đã có sự đổi mới nhất định về mặt nội dung, hình thức trong triển khai các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện nhưng vẫn chưa thực sự thu hút sự quan tâm, tham gia của thanh niên. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến dư luận trong sinh vẫn còn hạn chế.

Các đại biểu đều nhất trí rằng tình yêu quê hương, đất nước đã hình thành từ nhỏ, dần lớn lên trong mỗi con người, cũng như mỗi người trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều vấn đề, tác động ảnh hưởng đến lòng yêu nước, bản lĩnh của thanh niên được nhiều đại biểu nêu ra như: tác động của kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, cá nhân, chạy theo vật chất, tác động của toàn cầu hóa, internet, mạng xã hội,... hay sự lợi dụng, kích động của các phần tử chống phá, thù địch.

Chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn, đại biểu Lê Viết Phương, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thanh niên Việt Nam cho rằng, con người chúng ta phần lớn là người tốt, nhưng một bộ phận còn phai nhạt lý tưởng, có lối sống thực dụng. Trong môi trường phát triển của internet, mạng xã hội, ngoài những mặt tích cực thì còn những tác động xấu, nhiều đối tượng kích động, lôi kéo, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước. Do đó, thế hệ trẻ cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh để sử dụng mạng xã hội, internet hiệu quả, tích cực.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Diễn đàn.

Đại biểu Phương kiến nghị, các cấp Hội Thanh niên đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, định hướng thanh niên trên các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội,... Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, công tác này hiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn bị động và thiếu sự gắn kết, phối hợp.

Nêu lên nhiều vụ việc nóng bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động trong thời gian qua, đại biểu Phương cho rằng: "Có nhiều vụ việc không chỉ tổ chức thanh niên của các tỉnh nào thì tỉnh đó phản biện, mà cần sự chung tay, phối hợp giữa các lực lượng thanh niên các địa phương, các cấp".

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Phương, đại biểu Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tình yêu quê hương, đất nước có từ nhỏ, nhưng vấn đề "cơm áo, gạo tiền" khiến là mối quan tâm chính của thế hệ trẻ, từ đó những vấn đề về lòng yêu nước, lý tưởng bị xem nhẹ.

Theo đại biểu Khánh, trong bối cảnh hội nhập thế giới, kết nối internet toàn cầu, người trẻ tiếp cận rất nhiều với văn hóa các quốc gia, và thực tế có thực trạng, có một bộ phận giới trẻ quan tâm đến văn hóa các nước hơn cả tìm hiểu truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam. Do đó, vấn đề cần xúc tiến nhanh là phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; mà cụ thể là vai trò thanh niên trong giữa gìn truyền thống, văn hóa từng làng, xã, từng địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Lâm Quốc Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang, cho rằng những người nêu quan điểm trái chiều cũng yêu nước, tuy nhiên, lòng yêu nước của họ theo tư tưởng của họ, khác chúng ta và khác truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Vấn đề là làm thế nào để chúng ta phát huy được, gắn được tinh thần yêu nước của thanh niên với yêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Làm cho thế hệ thanh niên hiện nay nhận thức đúng về chế độ xã hội chủ nghĩa, không thờ ơ với chính trị và đứng ngoài chính trị”, đại biểu Toàn trăn trở, và dẫn chứng nếu các sự kiện của Đảng, Quốc hội được người dân quan tâm đón nhận như trận chung kết bóng đá SEA Games 30 vừa qua thì sẽ rất tốt.

Hải Đăng