Thiếu nữ bỏ đại học Kiến trúc để phụ mẹ nuôi cha và em: Nghiệt ngã tuổi 18

(CTG) Đặng Lê Quỳnh Trang đậu ĐH Kiến trúc TP.HCM nhưng không học mà đi làm để phụ mẹ nuôi hai em và cha đang bệnh. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã, cô gái 18 tuổi bị xuất huyết não khi vào TP.HCM được mấy ngày...

Sinh nhật của Đặng Lê Quỳnh Trang được tổ chức vội ngay cạnh giường bệnh - VĂN ĐỨC

Tuổi 18, gác ước mơ đại học để đi làm nuôi em

Những ngày qua, nhiều bạn bè trên mạng xã hội Facebook chia sẻ câu chuyện cảm động về hoàn cảnh đặc biệt của em Đặng Lê Quỳnh Trang (18 tuổi, ở thôn Việt Sơn, xã Bình Trị, H.Thăng Bình, Quảng Nam).

Đặng Lê Quỳnh Trang đang được điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế - VĂN ĐỨC

Đặng Lê Quỳnh Trang là con gái đầu trong một gia đình nghèo có 3 anh chị em. Ngay từ nhỏ hiểu được những khó khăn vất vả của bố mẹ, vì vậy sau những giờ học Trang lại thay ba mẹ chăm sóc các em.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng suốt 12 năm học, Trang luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trang đã thi đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, em đành xếp lại sách vở.

Gác lại ước mơ, em vào Sài Gòn làm việc phụ mẹ lo cho hai đứa em ăn học và người cha bị đau ốm... Thương con, nhưng gia đình đành phải chấp nhận để em đi.

Vào TP.HCM được mấy ngày, biến cố bất ngờ ấp đến với cô bé 18 tuổi. Trên đường đi làm về Trang bị ngất xỉu. Nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ xác định em bị xuất huyết não.

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 102010000116341 - Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Đặng Thị Quỳnh Trang; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cháu Trang trong thời gian sớm nhất.

 

Dù được tận tình cứu chữa nhưng tình trạng của Trang ngày một xấu đi, em bị liệt nửa người, hôn mê sâu. Đến ngày 9.9, bệnh tình Trang tiếp tục chuyển biến xấu, không thích ứng được thuốc nên gia đình đã xin chuyển em về quê ngay trong đêm.

Khi nghe tin em Trang đang được xe cứu thương đưa về quê nhà, anh Phan Văn Đức, Bí thư đoàn thôn Châu Lâm (xã Bình Trị) có những dòng chia sẻ khiến ai đọc được đều không cầm được nước mắt: “Thế là chiếc xe cũng lăn bánh, qua một đêm nay nữa em cũng được về với quê hương yêu dấu. Nơi mà tuổi thơ em đã sinh ra và lớn lên. Tuổi 18 với bao nhiêu lời hứa hẹn, bao nhiêu dự định hoài bão thôi đành khép lại tại đây... Một cô gái xinh xắn, nghị lực, dám nghĩ dám làm, từ bỏ giấc mơ đại học đi làm để phụ mẹ nuôi cha bệnh và 2 em nhỏ... Thôi chúng ta cùng cầu nguyện cho em 1 chuyến về quê bình an”.

“Xin đừng là sinh nhật cuối cùng"

Tối 10.9, trong căn nhà nhỏ cấp 4 rộng chừng hơn chục mét vuông, bạn bè, người thân và hàng xóm làng giềng, cả những người chưa từng biết đến Đặng Lê Huỳnh Trang trước đây cũng đã đến để dự mừng sinh nhật cô. Một sinh nhật đúng nghĩa nhưng không được trọn vẹn.
Trang nằm bất động trên giường bệnh khi gia đình, bạn bè đang vây quanh. Người mang bánh kem, người mang bánh kẹo, người mang hoa, người chúc mừng sinh nhật. Ai nấy đều cầu chúc rằng sẽ có một “phép màu” để giúp Trang khỏe mạnh.

Những đồng tiền do người dân và học sinh ủng hộ cho Trang - ẢNH: VĂN ĐỨC

Đáp lại những tình cảm đó, cô gái nhỏ Đặng Lê Quỳnh Trang chỉ biết chớp mắt và những giọt nước mắt rơi xuống như thay lời cảm ơn. Và đó cũng là điều duy nhất em có thể làm được ngay lúc này.

Ông Đặng Thanh Tuấn (bố Trang) nghẹn ngào nói bản thân bị bệnh phổi lâu năm phải nằm một chỗ.Từ khi chồng đau ốm, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên đôi vai vợ ông Tuấn là bà Lê Thị Hương.

“Vừa rồi một tiệc sinh nhật vội của cháu được tổ chức ngay cạnh giường bệnh trước khi cháu ra Huế chữa trị. Xin đừng là sinh nhật cuối cùng!”, ông Tuấn nức nở.

“Trang là một cô gái ngoan hiền, hiếu thảo nhưng lại phải gồng gánh nỗi đau bệnh tật khi mà ít ngày nữa thôi, em ấy bước qua tuổi 18, cái tuổi đẹp nhất của đời người”, anh Đức nghẹn lại.

Ngay sau sinh nhật vội trên giường bệnh, Trang được chuyển ra Bệnh viện T.Ư Huế để nhập viện cấp cứu ngay trong đêm.

“Tài sản nào có giá trị trong nhà vợ chồng tôi đều bán hết, tồi đi vay mượn thêm để chữa trị cho con cũng không đủ. Không biết giờ lấy đâu ra số tiền lớn để tiếp tục chạy chữa cho con nữa. Bây giờ, chúng tôi cũng đã hết cách rồi”, ông Tuấn nói trong nước mắt.

Theo anh Đức, sau khi anh đăng bài viết nhằm kêu gọi giúp đỡ cho bé Trang lên mạng xã hội Facebook đã có rất nhiều người đã gọi hỏi thăm sức khỏe của Trang cũng như động viên gia đình cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt.

“Tôi rất xúc động khi chính tay mình nhận từng đồng tiền lẻ từ các em học sinh trên địa bàn ủng hộ Trang. Đây là số tiền mà cha mẹ các em cho để đi ăn sáng, nhưng thay vào đó các em đã nhịn bữa, hay ăn ít lại rồi lấy số tiền đó để ủng hộ. Dù số tiền không nhiều nhưng tôi trân trọng tấm lòng của các em”, anh Đức nói.

Theo TN