Thủ khoa hiến kế nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô

(CTG) Bên lề Lễ ghi danh sổ vàng Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, những thủ khoa đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

 

Nguyễn Minh Hiếu (Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội): Đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử

Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ nên có nhiều trải nghiệm và thấy sự thay đổi rõ rệt của Thủ đô theo thời gian. Nhìn chung, Hà Nội ngày càng hiện đại, nhà cửa khang trang, đời sống người dân được nâng cao, đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, tôi nghĩ một số vấn đề nếu làm tốt hơn có thể nâng cao thêm chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguyễn Minh Hiếu, Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2019 (Áo xanh bên phải) trong giờ học thực hành tại Đại học Y Hà Nội.

Cụ thể cơ quan chức năng nên xây dựng thêm công viên, vườn hoa, sân chơi vừa để có thêm cây xanh giúp thanh lọc không khí, vừa để người dân ra vui chơi, tập thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe. Trước đây, tôi có đọc được nhiều bài viết trên báo nói về chủ đề người Việt lười vận động nhưng thực tế khi ra công viên chạy bộ, tôi lại không nghĩ vậy. Sáng sớm và buổi chiều ở đó có khá đông người tập thể dục, thể thao, đủ mọi độ tuổi từ em nhỏ, thanh niên đến người già. Tôi nghĩ, nếu thành phố có thêm nhiều công viên, vườn cây, không gian xanh..., người dân Thủ đô sẽ tích cực rèn luyện thân thể hơn, từ đó giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, hoạt động Đoàn cơ sở, các trường học cần quan tâm nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về Luật giao thông, tránh xa tệ nạn và có ý thức bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, cập nhật thường xuyên và thống nhất về các lĩnh vực mà thành phố quản lý để người dân có thể dễ dàng tiếp cận tra cứu những thông tin cần thiết.

Bùi Thu Thảo (Thủ khoa xuất sắc Học viện Tài chính): Dành sự quan tâm cho giáo dục và đào tạo lớp trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước". Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", chúng ta khẳng định vai trò vô cùng to lớn của yếu tố con người mà đặc biệt là sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới. Do vậy, để xây dựng Thủ đô trở thành đầu tàu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, chúng ta nên chú trọng hơn đến sự nghiệp trồng người, dành sự quan tâm cho giáo dục và đào tạo lớp trẻ.

Bùi Thu Thảo (Thủ khoa xuất sắc Học viện Tài chính).

Để làm được điều này, đòi hỏi các ban, ngành phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và xây dựng hệ thống giáo dục khoa học từ cấp mầm non đến các trường đào tạo cao hơn. Trẻ em cần được học tập trong một môi trường tích cực và được tạo điều kiện tối đa để rèn luyện và phát triển tư duy. Còn thế hệ học sinh, sinh viên lại cần được tiếp xúc nhiều hơn với thực tế, những khóa học kỹ năng và các môn học có tính định hướng để nhận thức được xu hướng của xã hội hiện đại, định hình được con đường sự nghiệp trong tương lai.

Bên cạnh đó, thế hệ học sinh, sinh viên cũng nên tiếp xúc nhiều hơn với các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng để có được nhận thức rõ ràng về các vấn đề xã hội và thấy được vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.

Phạm Minh Nguyệt (Thủ khoa xuất sắc Học viện Nông nghiệp Việt Nam): Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống

Gần đây, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các khu đô thị, các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đang là vấn đề gây nhức nhối cho người dân và toàn xã hội.

Cơ quan chức năng nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các công nghệ cho phép xác định nhanh nồng độ các chất độc hại có trong thực phẩm hay sự có mặt quá mức của các vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm để nâng cao tính chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

Phạm Minh Nguyệt (Thủ khoa xuất sắc Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính người tiêu dùng, hướng dẫn cách sơ chế và bảo quản thực phẩm đúng cách, các hậu quả nặng nề của việc sử dụng thực phẩm mất VSATTP, tẩy chay các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu vào địa bàn thành phố…; tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình sản xuất an toàn được mở rộng, đặc biệt là các mô hình sản xuất rau sạch, thịt sạch, sản xuất hữu cơ…

Theo TTTĐ