Thủ lĩnh Đoàn kiêm "ông chủ" VAC

(CTG) Trong tay chỉ có hơn 100 triệu đồng, kinh nghiệm không có, kiến thức còn thiếu nhưng Lưu Hữu Quyền (Bí thư đoàn xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn dám mạnh dạn vay gần 4 tỉ đồng để lập nghiệp. Vì sự liều lĩnh đó, anh luôn tự nhủ phải thành công nếu không sẽ... đẩy cả nhà ra đường.

Anh Lưu Hữu Quyền, Bí thư Đoàn xã Thanh Bình trao quà tới gia đình chính sách

Bỏ phố...về vườn

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố không may qua đời khi Quyền mới vừa vào cấp ba. Thương mẹ vất vả, anh sớm đã có ý thức tự lập, làm chủ gia đình để làm điểm tựa cho mọi người. Tốt nghiệp cấp ba, Quyền vào trường Trung cấp nghề Hà Tây học rồi khăn gói ra thành phố làm việc. May mắn anh xin được vào làm tại Tổng Công ty phát triển nhà ở và đô thị HUD.

Mức lương công nhân của Quyền thời gian đầu rất thấp nhưng anh không nản chí. Anh kiên trì bám trụ công việc với mong muốn hỗ trợ gia đình và tìm kiếm các cơ hội phát triển khác. Tuy nhiên, khi Quyền có mức lương tốt ở Đội quản lý nhà thì anh bất ngờ đưa ra quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp.

Không chỉ hàng xóm bất ngờ mà ngay cả mẹ cũng không hiểu Quyền đang nghĩ gì. Xã Thanh Bình vốn được biết đến là vùng chiêm trũng. Người dân chỉ làm nông nghiệp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với cây lúa, củ khoai. Vât vả như thế người dân cũng chỉ đủ ăn, nói gì đến chuyện làm giàu.

“Mẹ lo lắng nhưng vẫn để mình tự quyết định mọi việc. Mình biết mẹ vẫn ở sau quan sát, động viên khi gặp khó khăn” – Quyền chia sẻ.

Mấy năm đi làm ngoài thành phố đã cho Quyền cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin và cả từ sách báo, mạng internet. Đặc biệt, với lợi thế từ các mối quan hệ khi đang làm việc ở công ty cũ cùng đánh giá, phân tích tình hình tại địa phương, Quyền quyết định mở trang trại chăn nuôi theo mô hình phát triển kinh tế mới.

Anh Lưu Hữu Quyền kiểm tra và chăm sóc đàn lợn

Thế nhưng quỹ đất và vốn là bài toán khó với Quyền. Trong tay anh chỉ có hơn 100 triệu đồng mà mô hình anh muốn theo đuổi đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn rất nhiều lần. Quyền loay hoay vay mượn bạn bè, người thân, sau đó dồn diện tích đất của gia đình cùng thầu, mua thêm từ các hộ gia đình khác để có mặt bằng xây dựng trang trại theo đúng tiêu chuẩn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - đơn vị mà anh chọn để liên kết trong phát triển mô hình.

Mất hơn một năm xây dựng với tổng số tiền đầu tư gần 4 tỉ đồng, Quyền mới bắt đầu có thể chăn nuôi. Lứa lợn đầu tiên cho kết quả tốt khiến anh rất vui mừng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngay lứa thứ hai Quyền đã phải nếm trái đắng khi dịch lợn tai xanh xảy ra.

“Mình gần như mất trắng. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với mình khi nợ nần chưa chả xong. Ở địa phương cũng chưa có mô hình nào để mình có thể học hỏi, tìm cách vượt qua” – Quyền kể.

Hái trái ngọt

Buồn, chán nản nhưng Quyền không cho phép mình gục ngã. Anh biết nếu buông xuôi nghĩa là tự đẩy cả gia đình vào chỗ chết. Quyền sốc lại tinh thần, chịu khó học hỏi thêm kiến thức từ sách báo và những người có kinh nghiệm để có cách chăn nuôi khoa học, đúng kỹ thuật. Những nỗ lực của anh sau vài năm đã được đền đáp xứng đáng khi trang trại với sức nuôi từ 5 - 6 ngàn con lợn/1 năm đi vào hoạt động ổn định.

Kết hợp với chăn nuôi, Quyền còn mở rộng diện tích đất để trồng bưởi diễn đưa quy mô trang trại lên gần 11.000 m2. Với mô hình chăn nuôi trang trại này, sau khi trừ chi phí Quyền đem về cho gia đình hàng trăm triệu mỗi năm; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

“Nghĩ lại mình thấy thực sự liều, dám làm khi thiếu vốn, kiến thức, chỉ có khát khao lập nghiệp. Tuy nhiên, mình nghĩ tuổi trẻ phải dám nghĩ, dàm làm và theo đuổi đến cùng để có thành công” – Quyền tâm sự.

Hiện nay, trang trại của Quyền được thiết kế khoa học, đảm bảo yêu tố xanh, sạch. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi đúng kỹ thuật cũng giúp trang trại của anh tránh được dịch bệnh. Không thỏa mãn với những gì đang có, thời gian tới, Quyền dự định sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại, để nuôi thêm gà và lợn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, Quyền còn tích cực tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Sự năng động, trách nhiệm cùng kinh nghiệm hoạt động ở chi đoàn đã giúp anh được tín nhiệm giữu chức danh Bí thư Đoàn xã Thanh Bình vào năm 2012. Những ngày đầu đảm nhiệm vị trí, Quyền gặp không ít khó khăn, nhất là công tác thu hút, tập hợp thanh niên. Đoàn viên, thanh niên trong xã phần lớn đi học, đi làm xa cùng sự chi phối của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương.

Với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, anh đã có những cách làm đổi mới, sáng tạo để thu hút thanh niên. Quyền cùng Ban chấp hành Đoàn xã đã thực hiện nhiều phong trào, hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên như: nghề nghiệp, việc làm, vui chơi, giải trí…

Trong đó, Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức hàng loạt các hoạt động như: xây dựng đường làng, ngõ xóm, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, cải tạo nhà văn hóa, xây dựng không gian tập thể thao cho các thôn, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mang tính cộng đồng cao… Với những thanh niên có mong muốn phát triển kinh tế trang trại Quyền nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Từ những hoạt động thiết thực đó, Quyền góp phần đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên xã Thanh Bình ngày càng phát triển; trở thành đơn vị xuất sắc của huyện Chương Mỹ.

Theo TTTĐ