Thường thức & Chia sẻ: Giọng quê

(CTG) Mới đây, lớp THPT cũ của tôi tổ chức họp lớp kỷ niệm 5 năm ra trường. Rất mừng là mọi người đều thu xếp công việc để về tham dự đầy đủ.

Sinh viên nhiều tỉnh thành với những chất giọng khác nhau về các thành phố lớn học tập (ảnh minh họa) - Đào Ngọc Thạch

Buổi họp mặt diễn ra ấm cúng và đầy tình cảm. Bạn bè lâu ngày gặp lại cứ ríu rít tâm sự chuyện xưa chuyện nay không rời được. Chỉ có điều, những người lập nghiệp ở phương xa gần như không còn giữ được chất giọng quê gốc của mình nữa. Có người nói giọng bắc, có người nói giọng nam, tất nhiên chỉ là pha tạp mà thôi bởi nghe kỹ vẫn thấy cách phát âm miền Trung nằng nặng.

Giọng nói thay đổi đã thấy xa cách ít nhiều, lòng tôi gợi chút băn khoăn. Tất nhiên, không thể trách họ được, bởi thay đổi giọng để hòa nhập vào môi trường sống ở vùng khác là điều dễ hiểu. Nhưng giá như, khi về quê, gặp lại bạn bè cũ, họ vẫn nói giọng quê thì hay biết mấy. Bởi tôi biết, không ai có thể thay đổi giọng quê gốc của mình nếu không cố tình điều chỉnh.

Tôi còn nhớ, ngày mới vào đại học, mẹ cứ dặn đi dặn lại: “Vào trong đó về, đừng đổi giọng nghe con”. Bởi vì có nhiều bạn trẻ vào thành phố được vài tháng, về quê đã nói pha giọng Sài Gòn. Điều đáng buồn, nhiều người xem đó là cách thể hiện sự sang chảnh, sành điệu trong khi những người lớn tuổi khá khó chịu. Ngày xưa, ông bà ta có câu: “Chửi cha không bằng pha giọng”. Tuy nhiên, thời hiện đại, không ai trách khi mình thay đổi giọng để hòa nhập nhưng khi về quê, hãy nói giọng quê mình để thấy gần gũi hơn.

Có lẽ, các bạn trẻ chưa xa quê đủ lâu để thấy nhớ giọng nói quê mình, để hiểu được đó là “tài sản vô giá” nhắc mình về nguồn gốc xuất thân, về nơi chôn nhau cắt rốn. Còn những người xa quê lâu năm, luôn ao ước được nghe giọng quê, thậm chí bật khóc khi bất ngờ nghe được giọng quê hương từ một người đồng hương xa lạ.

Theo TN