Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII: Đào tạo kỹ năng để người trẻ hội nhập quốc tế

(CTG) Bên cạnh trang bị cho người trẻ hành trang ngôn ngữ, Hội cần tăng cường những hoạt động trao kỹ năng để người trẻ sẵn sàng hội nhập quốc tế, trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thế giới.

 

Giúp người trẻ sự am hiểu công nghệ

Trong giới trẻ hiện nay, để đẩy mạnh việc hội nhập và giao lưu quốc tế, ngoài việc khỏe về thể chất, vững về kỹ năng thì thanh niên cần phải biết và hiểu rõ các nội dung: Phải hiểu rõ về văn hóa, đất nước con người Việt Nam để khi hội nhập giao lưu quốc tế, luôn là một đại sứ Việt Nam đến với thế giới; phải biết tiếng Anh để phá vỡ khoảng cách về ngôn ngữ giữa các quốc gia.

Theo tôi, Hội cũng cần tăng cường những giải pháp để phát triển sự am hiểu công nghệ trong thanh niên. Hội cần có những hoạt động truyền thông sâu rộng về vai trò, hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin đến với người trẻ, tạo động lực cho bạn trẻ tự tìm tòi học hỏi nâng cao năng lực bản thân. Bên cạnh đó, Hội cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hội viên và các công tác hành chính hằng ngày (hệ thống điều hành văn bản điện tử Eoffice, phòng họp không giấy tờ, hệ thống số hóa quản lý đoàn viên, họp qua cầu truyền hình trực tuyến...) để nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý hội viên chặt chẽ, chuẩn xác.

Hoàng Tiến Hưng, Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn VNPT

Cần những hình thức trực quan sinh động

Ảnh: Bảo Vy

Thông qua các hoạt động, Hội cần trang bị được cho thanh niên hành trang về ngôn ngữ và các kỹ năng cần thiết để học tập, lao động, tiếp cận thông tin; đồng thời có được những hiểu biết cơ bản về cách thế giới đang vận hành. Từ đó, xác định vị trí, vai trò của bản thân và cộng đồng trong việc tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng một thế giới bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên, Hội cần có nhiều hình thức trực quan sinh động tuyên truyền kiến thức về các hiệp ước, hiệp định kinh tế; tổ chức chương trình giả định hội nghị cấp cao về các chủ đề xã hội đang quan tâm. Qua đó, bạn trẻ sẽ có điều kiện chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ và trải nghiệm đặt mình vào vị trí lãnh đạo tương lai để cùng bàn bạc, thảo luận về chính sách, vai trò của người trẻ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Hội cần quan tâm kết tập các bạn du học sinh đã trở về làm việc, sinh sống tại Việt Nam, chính các bạn sẽ là cầu nối về tri thức, giao lưu tiếp biến văn hóa và là cầu nối giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới.

Phạm Thị Thảo Linh, Phó chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM

Tạo cơ hội để thanh niên học hỏi tại nước ngoài

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Từ kinh nghiệm bản thân được đi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm làm việc tại 14 nước châu Á, châu Âu, tôi hiểu rằng với mỗi người trẻ được đến tận nơi tham quan, học hỏi những cái hay của nước bạn, để sau khi về ứng dụng trong nước. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, khi giành được những học bổng chương trình tại Anh, Nhật hay Hà Lan, quan sát và trải nghiệm tận nơi xem họ đã sản xuất ra sao, kinh doanh nông sản như thế nào cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá.

Tôi luôn kỳ vọng, Hội sẽ là cầu nối, kết nối nhiều hơn những tổ chức uy tín tại nước ngoài với thanh niên Việt Nam, để người trẻ có thêm nhiều cơ hội được tham gia những chương trình đào tạo ngắn hạn về mọi lĩnh vực, có sự hỗ trợ tài chính và sự tham gia của nhiều chuyên gia giỏi nước bạn. Trách nhiệm của Hội là lựa chọn đại biểu tham gia phải thật xứng đáng, đúng người, đúng đối tượng đang thật sự quan tâm để phát huy những giá trị học hỏi được về ứng dụng tại quê hương.

Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà khởi nghiệp, sáng lập Foodmap.asia

Theo TN