Tri thức trẻ vì giáo dục 2019: Các công trình đã thể hiện được tính mới trong ứng dụng

(CTG) Ngày 8/11, tại Hà Nội, 13 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất tại vòng sơ khảo Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2019 đã bước vào cuộc tranh tài cuối cùng – vòng thi Chung khảo - để giành lấy giải thưởng 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Minh Triết, Ủy viên BTV, Trưởng Ban TN Trường học Trung ương Đoàn đã chủ trì buổi chấm giải.

 

Danh sách hội đồng chung khảo năm nay gồm các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ: TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và lần đầu tiên có sự góp mặt của PGS.TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Hội đồng Chung khảo Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2019 đánh giá và chọn ra 05 công trình xuất sắc nhất để trao giải thưởng 100 triệu đồng.

Buổi chấm giải diễn ra từ 8h30 đến 17h00 với sự tham gia tranh tài của hơn 13 tác giả/ nhóm tác giả của 13 công trình, sáng kiến đã được chọn ra từ vòng chấm sơ khảo. Hội đồng giám khảo sẽ công tâm chọn ra 05 công trình, sáng kiến “vì giáo dục” xuất sắc nhất để trao Kỷ niệm chương "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tiền mặt 100 triệu đồng.

Các tác giả sẽ có tối đa 5 phút để thuyết trình ý tưởng, bài nghiên cứu trước Hội đồng chung khảo, sau đó trực tiếp trả lời những câu hỏi "hóc búa" từ Hội đồng chung khảo.

Mở đầu là nhóm tác giả Nguyễn Hữu Long, Nguyễn Thành Luân, Lê Hải Thanh, Tào Thị Nhung (Hà Nội) với ý tưởng xây dựng Hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục. Bằng hệ sinh thái giáo dục gồm 05 trang web, nhóm tác giả mong muốn mang đến những khóa học đào tạo kỹ năng giảng dạy trực tuyến, duy trì ngọn lửa đam mê dạy học và phát triển chuyên môn cho các giáo viên.

Tiếp đến là phần trình bày công trình Ứng dụng học tập Memo của 03 tác giả Tống Hương Giang, Nguyễn Thị Thu Hà, Hoàng Mậu Trung (Đoàn KCCQTW) với tính năng mới là đề xuất lộ trình học tập cho từng cá nhân người dùng.

Các tác giả sẽ có tối đa 5 phút để thuyết trình ý tưởng, bài nghiên cứu trước Hội đồng chung khảo, sau đó trực tiếp trả lời những câu hỏi "hóc búa" từ Hội đồng chung khảo.

Điểm thú vị là trong 13 công trình lọt vào vòng chung khảo năm nay có đến hơn 03 công trình được đề xuất bởi các tri thức trẻ là những em học sinh vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Như công trình Phương pháp ứng phó với các tình huống nguy hiểm của 03 em học sinh Phạm Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Thị Thanh Hằng Nguyễn Tuấn Dũng (Quảng Ninh); công trình mang giá trị nhân văn sâu sắc MOOVE -Trò chơi kích thích vận động, phát triển tư duy ở trẻ khuyết tật của 02 em học sinh nam Nguyễn Duy Phước Hải, Thân Đoàn Thuận (Quảng Trị).

Ý tưởng Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường của nhóm tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức (sinh viên năm 01 trường Đại học FPT, Đà Nẵng) gây ấn tượng mạnh mẽ cho hội đồng chấm thi bởi sự kết hợp đặc sắc giữa công nghệ thực tế ảo AR của thời đại vào trong giáo trình sách sinh học lớp 10, gia tăng mức độ sống động trong việc quan sát các tế bào vi mô, từ đó giúp thế hệ trẻ thêm yêu thích bộ môn tưởng chừng như còn nhiều trừu tượng này.

Tri thức trẻ Võ Nguyễn Đình Trí (sinh viên năm 01 trường Đại học FPT, Đà Nẵng) đang trình bày tác phẩm của mình cho ban giám khảo.

Tại cuộc thi năm nay, Ban tổ chức nhận thấy còn có nhiều Trí thức trẻ vẫn luôn quan tâm và hướng về phương diện đổi mới phương pháp giảng dạy giáo dục hòa nhập cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập cho các em nhỏ gặp nhiều hoàn cảnh thiệt thòi, như công trình Nghiên cứu, thiết kế qui trình công nghệ chế tạo Thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập của tác giả Nguyễn Sỹ Nam (Đoàn KCCQTW), công trình Nghiên cứu thiết kế mô hình thiết bị hỗ trợ người khiếm thanh - nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Đạt, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Minh Đức, Đinh Đức Tiến, Trần Minh Hiếu (Hà Nội)… hay như công trình phát triển từ điển Việt - M'Nông, M'Nông - Việt trên điện thoại Android của tác giả Văn Thành Đạt (Đắc Nông)

Tại buổi chấm chung khảo, PGS - TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao sự tham gia của các trí thức trẻ vào việc đổi mới giáo dục. Ông Chung nói: “Về công nghệ, chúng ta đã có hiệu ứng, đôi khi thế hệ trẻ nhạy bén hơn, đây là điều rất vui mừng vì đây là thế hệ tương lai sẽ phát triển công nghệ cho đất nước. Một điều nữa là tăng sự sáng tạo của các em, thay vì ngồi học ở sách vở không thôi, các em đã sẵn sàng có những sáng tạo ứng dụng trong thực tiễn”, ông Chung nói.

PGS - TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS -TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đánh giá đối với công trình trong năm nay, bám sát thực tiễn giáo dục Việt Nam, tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể, từ việc bồi dưỡng giáo viên, giáo dục nghề, nâng cao hoạt động cho các em khuyết tật có tính nhân văn rất cao.

Chất lượng các công trình đảm bảo tiêu chí cuộc thi đặt ra. Tuy nhiên, ông Biên cho rằng, nếu công trình được thí sinh bám sát vào những phương pháp nghiên cứu của khoa học giáo dục sẽ làm rõ hơn tính mới, tính sáng tạo, những giải pháp có tính thực tiễn đối với khoa học, giáo dục hơn.

PGS -TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ngoài hội đồng chuyên môn, ban tổ chức cần mời các nhà đầu tư quan tâm đến giới trẻ, công nghệ, nếu thấy sản phẩm tốt họ sẵn sàng đầu tư để phát triển công nghệ của mình.

“Nếu các nhà đầu tư nghe thấy sản phẩm hay, họ tiếp xúc sẽ sẵn sàng đầu tư, sản xuất hàng loạt được. Thiếu vắng đầu tư, trí thức trẻ không biết làm thế nào để tiếp tục. Ban tổ chức nên mời doanh nghiệp với tư cách nhà đầu tư, ngồi với hội đồng để đánh giá mức độ khả thi của sản phẩm để đầu tư”, ông Quân nói.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.

Bước sang năm thứ 4, chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục nhận được 539 hồ sơ công trình, sáng kiến gửi về tham dự từ nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có 274 công trình, sáng kiến thuộc nhóm chủ đề đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả, 141 công trình, sáng kiến thiên về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập và 124 công trình, sáng kiến đưa ra những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Năm nay, ngoài tối đa 5 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng xuất sắc nhất, các công trình lọt vào vòng chung kết sẽ đồng thời được nhận giải "Cống hiến" gồm bằng khen của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng 10 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình còn trao nhiều giải thưởng phụ với giá trị 2-5 triệu đồng.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 09/11/2019 (Thứ Bảy) tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, số 3-5 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội. Trước đó, các tác giả và nhóm tác giả của các công trình sẽ được gặp mặt Bộ giáo dục Đào tạo để được lắng nghe, chia sẻ và bày tỏ nguyện vọng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Thông tin chính thức về chương trình và buổi lễ trao giải sẽ được công bố trên website www.trithuctre.doanthanhnien.vn và fanpage https://www.facebook.com/trithuctrevigiaoduc/

CTG