Trung thu ấm áp của những học sinh khiếm thị

(CTG) Lời bài hát Chiếc đèn ông Sao được vang vọng khắp sân Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM); những câu hỏi thắc mắc về trung thu ngày càng một nhiều hơn vì các em nhỏ nơi đây chuẩn bị đoán một mùa trung thu mới.

Các em vui mừng khi nhận được sự yêu thương từ người khác - Tấn Đạt

Chỉ sờ và cảm nhận

“Cô ơi, trăng đêm trung thu như thế nào vậy cô?”, em Trần Hoàng Hải Lam (8 tuổi), học lớp 2 kỹ năng, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thắc mắc.

“Nó giống như hình tròn vậy đó, nhưng trong những ngày trung thu thì nó lớn hơn. Mình đứng bất kỳ chỗ nào cũng nhìn thấy được, khi mình đi thì cảm giác như đi theo mình, ánh sáng của nó được lan tỏa ra, rất là ấm áp”, cô Nguyễn Ngọc Trinh, giáo viên trường giải thích.

“Trong các dịp lễ như tết, trung thu các em chỉ biết qua mấy bài hát, được ăn bánh, nhận quà, chứ khung cảnh ánh đèn lung linh, hay hình ảnh chú Cuội, chị Hằng mấy em đâu biết, chỉ sờ và cảm nhận thôi”, cô Trinh cho biết.

Đối với em Hải Lam, trung thu là những ngày em hòa mình cùng những nét vẽ nguệch ngoạc trên chiếc lồng đèn. “Em sẽ lấy cái lồng đèn làm sẵn của mấy anh chị tặng, xong em vẽ con vịt lên. Con vịt của em nó hiền lắm, mặc dù nó có cái mỏ nhưng chỉ để ăn nòng nọc thôi, chứ nó không cắn mình đâu, khi nào lấy trứng của nó thì nó mới cắn mình”, em Lam mường tượng cho biết.

“Mấy con vịt ở dưới quê nhiều lắm phải không anh? Em nghe trên mạng nói ở dưới đó có cánh đồng nữa, có nhiều cây cối, có cây lúa, có con trâu phải không anh? Em thích được về quê, em còn chưa biết gánh nước là gì nữa”, em Hải Lam đặt nhiều câu hỏi cho chúng tôi.

Các em học cách làm bánh trung thu - Ảnh: Tấn Đạt

Rước đèn bằng dây thừng

Vui đến khó tả, được chơi, được ăn thỏa thích là những câu trả lời của các bạn nhỏ khi nhắc đến đêm trung thu. Đó cũng chính là cảm xúc của em Lê Huỳnh Đức (21 tuổi) lớp 9 kỹ năng, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu trong 8 năm trở lại đây.

Từ khi cả gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp, Đức mới cảm nhận được sự vui tươi của đêm trăng rằm tháng 8 là như thế nào. Vì lúc còn dưới quê, Đức cảm nhận trung thu là một thứ gì đó nó buồn tẻ và nhàm chán. “Hồi nhỏ ở dưới quê, mỗi lần tới trung thu là một mình em cầm lồng đèn giấy đi vòng vòng ngoài sân, khi nào mệt rồi vào nhà, nó hơi buồn, nhưng từ khi lên đây rồi em được chơi nhảy dây, được đi rước đèn với nhiều bạn, anh chị và thầy cô”.

“Em nhớ có cộng dây dài và một đoàn nhiều người, một tay cầm dây, một tay cầm lồng đèn, sau đó thầy cô bắt nhịp bài hát Chiếc đèn ông sao cho tụi em hát nữa. Mắt em còn thấy mờ mờ nên em được dẫn mấy bạn đi...”, em Đức háo hức kể lại cảnh rước đèn.

Cô Nguyễn Ngọc Trinh giải thích: “Thay vì các bé nắm tay nhau hay đặt lên vai bạn thì nhà trường dùng dây thừng. Theo đó, một tay các bé cầm vào sợ dây thừng, tay kia cầm lồng đèn, làm vậy an toàn hơn, các em sẽ không bị lạc nhau. Người đứng đầu sẽ là một thầy cô phụ trách và thật khỏe mạnh để giữ vững cộng dây thừng chắc chắn”.

San sẻ từ cái bánh, chiếc đèn

“Trung thu trong đó con đừng buồn nhá”, “Dạ con không sao đâu, ở trong này có mấy dì và các bạn nên không buồn đâu”. Đó là cuộc điện của em Lê Thu Hương 14 tuổi học tại Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (quận Thủ Đức, TP.HCM) nói với ba mẹ ngoài tỉnh Thanh Hóa vào mỗi dịp trung thu. “Em nói vậy thôi chứ em buồn lắm. Mỗi năm em về quê một lần trong dịp tết à, em luôn cầu nguyện cho gia đình em được bình an”, em Hương tâm sự.

Sự bình an đó, được Hương gửi gắm vào chú chim bồ câu trong các đợt trang trí cho chiếc lồng đèn. Thu Hương kể: “Hôm đó, em được anh chị phát lồng đèn hình ngôi nhà, em nhờ anh chị cắt giấy hình chú chim bồ câu rồi tự tay em dán lên mái nhà, vì em muốn không chỉ có nhà của mình mà ngôi nhà của các bạn khác cũng luôn hạnh phúc”.

Cùng “trường” với em Thu Hương, em Nguyễn Hoàng Phú (14 tuổi) học lớp 5 văn hóa, chia sẻ: “Mỗi năm tới trung thu là em cầu mong nhanh nhanh, được vui chơi nhiều cái, được gặp anh chị, đặc biệt là được đi tặng quà cho mấy bạn khó khăn”. Được quà, bánh thì vui, nhưng mang quà bánh đó đến san sẻ cho các bạn khác thì vui hơn. “Năm ngoái em được các dì dắt tới nhà mấy bạn đó chơi vui lắm, nghe mấy bạn kể chuyện sự tích chú Cuội, năm nay em phải kêu mấy bạn kể cho em biết về chị Hằng”,

Sơ Hồ Thị Cẩm Duyên, người giảng dạy tại Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, cho biết: “Những hộ gia đình ở gần trung tâm đa số là công nhân từ xa đến, đời sống rất khó khăn, con của họ phải nghỉ học hoặc là đi học bổ túc. Thấy vậy, nhiều năm qua trong các dịp lễ, tết, chúng tôi thường hay dắt mấy em tại trung tâm tới hỏi thăm và tặng quà, nên cứ 'vào mùa' là các em đòi đi luôn”.

Có nhiều lúc chúng tôi hỏi tại sao các con thích đi qua nhà mấy bạn đó, thì mấy con trả lời: “Chúng con ở trong này nhiều người quan tâm, được các dì bảo bộc, ăn uống đầy đủ rồi, bây giờ chúng con muốn lấy các quà đó san sẻ cho các bạn”, sơ Duyên tâm sự.

Theo TN