Từng trốn nợ, xa lánh bạn bè, người thân vì khởi nghiệp

(CTG) "Tôi chẳng ngờ mình không chỉ rời khỏi công việc ổn định, mà còn buộc phải rời cả gia đình lẫn bạn bè thân thiết, người bạn gái của mình" - Lê Minh Tuấn (37 tuổi, đồng sáng lập Graphene) nhớ lại khoảng thời gian sóng gió khi mới khởi nghiệp.

 

Minh Tuấn (giữa) trao đổi cùng các cộng sự - Ảnh: C.NHẬT

Xuất thân là dân chuyên toán tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Minh Tuấn sau đó chọn "bến đỗ" là chuyên ngành khoa học vật liệu - công nghệ Nano ở Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) rồi sau đó học thạc sĩ ngành khoan - khai thác dầu khí ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Hành trình sóng gió

Có hai tấm bằng, Minh Tuấn nhanh chóng kiếm được vị trí chuyên gia có mức lương cao, ổn định tại một tập đoàn Hoa Kỳ.

"Năm 2010 là thời điểm giải thưởng Nobel về vật lý của hai nhà bác học người Nga là Andre Geim và Konstantin Novoselov được công bố, khi tổng hợp được vật liệu graphene từ than chì (graphite). Vốn thích tìm hiểu những điều mới mẻ, phần vì muốn tạo áp lực, thử thách bản thân theo đuổi đam mê..., tôi quyết định bỏ việc ra khởi nghiệp theo hướng nghiên cứu tổng hợp vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế với chi phí thấp, quy mô công nghiệp và đặc biệt thân thiện môi trường" - Minh Tuấn nói.

Thời điểm đó, gia đình anh phản đối quyết liệt vì cho rằng việc bỏ một công việc tốt, lương cao để theo một điều gì đó "nghe còn quá mới mẻ" như start-up là quá mạo hiểm, vô định.

Hai năm đầu start-up khá yên ả, bởi lúc đó Minh Tuấn và người đồng sáng lập (anh Lê Văn Giắt) đều có sự chuẩn bị nhất định về tài chính, nhân lực, thời gian...

Nhưng thất bại nối tiếp thất bại, hoang mang dẫn lối hoang mang. "Toàn bộ thí nghiệm không ra kết quả như mong đợi, mặc dù chúng tôi đã nỗ lực thử rất nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào từ tinh bột đến đường ăn... Số tiền dành dụm cạn kiệt.

5 năm tiếp theo có thể gọi là khoảng thời gian chính thức "lông bông". Không còn tiền, chúng tôi đi làm gia sư, tiếp thị hoặc bất kỳ công việc phổ thông nào biết được... để kiếm tiền đổ vào việc nghiên cứu" - Minh Tuấn nhớ lại.

Minh Tuấn vay mượn gia đình, bạn bè để công việc không bị gián đoạn..., rồi sau đó bàng hoàng nhận ra bản thân không thể đào ra cách để trả.

"Gia đình thường được chúng ta xem là chỗ dựa cuối cùng, nhưng thời gian đó tôi không còn được sự may mắn đó. Tôi đánh mất bảy năm của sự yêu thương, niềm tin từ gia đình. Tôi mất luôn cả người bạn gái vì chọn start-up. Tôi cũng tự xa lánh bạn bè, người thân do phải trốn nợ" - Minh Tuấn kể.

Điều khiến anh hoài nghi, day dứt và cảm xúc hỗn độn nhất là họ chính là những người từng khuyên anh không nên khởi nghiệp, bởi anh có xuất thân là dân thuần nghiên cứu, chỉ có sự đam mê và vững kiến thức chuyên môn, trong khi start-up đòi hỏi nhiều hơn thế.

"Tôi chỉ một thân một mình thì không sao, còn người đồng sáng lập của tôi lúc đó đã có vợ con và cũng chấp nhận rời một công việc ổn định để theo đuổi ý tưởng của tôi. Tôi rối bời, áp lực, nhưng tôi chưa một lần chia sẻ cảm xúc thật để anh biết" - Minh Tuấn kể về những đêm trắng đằng đẵng.

Mãi đến năm 2017, công ty của Minh Tuấn mới bắt đầu chạm "quả ngọt". Công ty nghiên cứu thành công phương pháp chế tạo vật liệu graphene có nguồn gốc khác biệt so với các phương pháp trên thế giới. "Với nguyên liệu mỡ động vật tái chế rẻ tiền, đa dạng và với phương pháp tổng hợp đơn giản, chúng tôi tạo ra vật liệu graphene có giá rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm cùng loại ở thị trường" - Minh Tuấn nói.

Vươn lên

"Đứa con tinh thần" trên sau đó đoạt giải Ý tưởng sáng tạo nhất cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2018 (do BSSC tổ chức), hiện nhận được sự đầu tư từ ba quỹ lớn, có nguồn tiền để hoàn thiện sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển cũng như đội ngũ vững chắc.

Hiện dự án Graphene có 5 nhân sự chính, gồm một giáo sư, hai thạc sĩ và hai nhân viên phát triển kinh doanh với mức lương trung bình từ 500-1.000 USD/tháng.

"Các giải thưởng, kết quả nghiên cứu thành công hay những khoản đầu tư trên dù rất quan trọng, nhưng cũng không ý nghĩa bằng việc tôi đã khôi phục niềm tin từ gia đình, bạn bè. Tôi đã trả xong các khoản nợ trước đây, và may mắn là bạn bè, người thân đều hiểu và thông cảm, nhất là khi họ thấy tôi được vinh danh trên báo đài. Nhưng tôi nghĩ, dù gì mối quan hệ cũng sẽ khó tốt đẹp được như xưa" - Minh Tuấn trải lòng, giọng không giấu được sự day dứt.

Hiện dự án Graphene đã phát triển được ba dòng sản phẩm, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác lớn như ĐH quốc tế Chonbuk (Hàn Quốc), Viện nghiên cứu Becamax (Bình Dương)..., đàm phán phát triển khách hàng tiềm năng ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Úc, Mỹ, châu Âu...

Nói về bài học rút ra dành cho các start-up trẻ, Minh Tuấn cho biết: "Trong giai đoạn nghiên cứu, tiền và áp lực thời gian sẽ là hai thử thách lớn nhất, vì dự án không thuộc trường đại học, viện nghiên cứu hay các vườn ươm tạo... mà tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Kế đến khái niệm công nghệ Nano vào năm 2010 rất xa lạ với nhiều người, trong khi trang thiết bị để nghiên cứu công nghệ này lại đắt đỏ và khó tiếp cận. Đó là rào cản lớn để phục vụ công việc nghiên cứu khoa học".

Tôi chưa bao giờ hối tiếc về việc chọn con đường start-up dù đã đánh đổi nhiều thứ quý giá. Nhưng nếu quay trở lại, ngoài sự kiên trì và đam mê nghiên cứu, tôi chắc chắn sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Lê Minh Tuấn

 

Theo TT