Tuổi trẻ chung tay hỗ trợ người yếu thế và chiến sỹ tuyến đầu chống dịch

(CTG) Tuổi trẻ tỉnh Bình Phước đã cùng thực hiện chuỗi hoạt động có ý nghĩa, thiết thực hướng đến người yếu thế và các chiến sĩ vùng biên giới trong bối cảnh dịch Covid-19 ập đến Việt Nam lần thứ hai.

 

Trong khuôn khổ của chuỗi hoạt động, Tỉnh Đoàn Bình Phước đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Nhóm thiện nguyện Thiện Tâm (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Chương trình “Ấm áp nghĩa tình biên giới” nhằm trao tặng các nguồn lực hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Tại Chương trình, các nhà hảo tâm đã trao tặng vật tư y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ kinh phí mua tôn, cột sắt, xi măng để gia cố các chốt kiểm soát, phòng dịch với tổng trị giá 60 triệu đồng cho 5 đồn biên phòng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập; đồng thời đến tận các chốt phòng, chống dịch Trạm kiểm lâm số 07, chốt phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Đăk Ka để thăm hỏi, động viên, trao quà cho các cán bộ, chiến sỹ bám chốt, chặn dịch.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ảnh (ngụ tại Quận 1 - TP. HCM) - Trưởng nhóm Thiện Tâm xúc động nói: “Có đi tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy được phần nào những khó khăn, vất vả, hi sinh của các cán bộ chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu ngăn dịch. Chịu nhiều khó khăn và thiếu thốn như thế nhưng các anh vẫn vượt khó để quyết tâm chống dịch. Chúng tôi rất mong có thể sẻ chia phần nào những nỗi gian khó cùng các anh.”

Đoàn công tác trao quà cho chiến sỹ đồn biên phòng.

Một thành viên của nhóm Thiện Tâm - cô Đào Thị Kim Liên (Giám đốc Công ty TNHH Kim Thái Hưng - TP. HCM) đã nhiều lần xúc động đến rơi nước mắt. Cô Liên cho biết cô rất cảm động trước hình ảnh của những người lính can trường, quyết “vượt nắng, thắng mưa”, bám chốt trong rừng sâu hiểm trở để ngăn chặn dịch bệnh. Nỗi cảm thông của cô Liên xuất phát từ việc người chồng quá cố của cô đã khoác áo lính từ khi 17 tuổi và nhiều năm cống hiến trong quân ngũ cho đến khi qua đời.

Ngoài ra, các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, động viên và tặng nhu yếu phẩm có tổng trị giá trên 9 triệu đồng cho Mái ấm Bà Rá (huyện Phú Riềng) do ông Bùi Quang Ánh (sinh năm 1967) thành lập từ năm 2017. Đây là nơi đang cưu mang gần 50 người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa.

Trước đó, Tỉnh Đoàn Bình Phước đã phối hợp với Công ty TNHH Giáo dục Giác Ngộ (TP. Hồ Chí Minh) cùng nữ nhà văn không đầu hàng số phận Trần Trà My tổ chức Chương trình “Trao gửi yêu thương”, thăm và tặng quà 02 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, mỗi phần trị giá 500 nghìn đồng; thăm Mái ấm Minh Trần (huyện Chơn Thành), Mái ấm An Vũ (huyện Đồng Phú) và Chùa Sreyvonsa (thành phố Đồng Xoài);

Cùng với đó, tặng quà cho gần 100 em nhỏ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, bạc đãi, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: 15 bộ truyện tranh Phật giáo, 350 tập trắng cùng các bộ dụng cụ học tập và bánh kẹo, nhu yếu phẩm... Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Cao su Sông Bé đã trao tặng mì tôm và đồ dùng học tập cho các em. Tổng trị giá của Chương trình là 17 triệu đồng.

“Đa số các bé ở đây đều là trẻ mồ côi nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ của mọi người. Chính vì thế, Chương trình đã tiếp thêm động lực, tinh thần và nghị lực sống cho các bé, để sau này khi lớn lên, các bé sẽ trở thành những người sống tốt, sống đẹp, có ích cho xã hội”, sư cô Thích Nữ Nhật Huệ - người đảm nhận công việc nuôi dạy trẻ mồ côi tại Mái ấm Minh Trần bộc bạch.

Sư cô cho biết Mái ấm hiện đang nuôi dưỡng, hỗ trợ 38 em; trong đó, 15 em đã trở thành sinh viên, đang theo học các trường Đại học, Cao đẳng vẫn tiếp tục được Mái ấm hỗ trợ và gửi đến ăn, ở tại các học xá hoặc các chùa tại TP. Hồ Chí Minh.

Em Lê Thị Ngọc - một trong số các em đang sinh sống tại Mái ấm không giấu được cảm xúc khi chia sẻ: “Em rất xúc động khi nghe chị Trà My nói về cuộc sống và sự vượt khó, vươn lên của chị. Tuy giọng nói của chị không tròn trịa và rõ ràng nhưng em tin ai cũng có thể cảm nhận được và chị lại có thể viết sách, đó chính là điều chúng em cảm thấy khâm phục và noi gương”.

Điều đặc biệt đối với người dân địa phương và các em nhỏ chính là cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn Trần Trà My - nữ nhà văn bị khuyết tật với đôi chân bước đi không vững, đôi tay chỉ có thể gõ máy tính bằng một ngón, giọng nói không tròn vành rõ tiếng nhưng có nghị lực và khát vọng sống phi thường. Trực tiếp nhìn thấy nữ nhà văn này phải di chuyển rất khó nhọc qua chiếc khung xe 4 chân, ai cũng đều cảm nhận được ý chí và nghị lực phi thưởng của nữ nhà văn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội, chuỗi hoạt động là nguồn động viên lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần cho người yếu thế và những người lính mang quân hàm xanh quyết hoãn mọi việc riêng chung tay cùng nhau chặn dịch; qua đó thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu chống Covid-19 đầy khốc liệt này và lan tỏa những điều tử tế trong đại dịch.”, anh Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.

Trân Thắng
Tỉnh Đoàn Bình Phước