Tuyển dụng đặc cách giáo viên - chính sách nhân văn

(CTG) Thực hiện công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước, Sở Nội vụ Gia Lai đã tích cực đôn đốc, triển khai chính sách nhân văn này.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Pleiku chuẩn bị bước vào môn thi Tin học

tại kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tỉnh Gia Lai năm 2019. Ảnh: baogialai.com.vn

 

Hiện tại, đã có gần 200 hồ sơ của 9 huyện, thị, thành phố nộp về Sở Nội vụ Gia Lai để xét duyệt.

 

Trước đó, ngày 13/11, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cũng đã ra công văn số 1780/SNV-TCBC về việc rà soát, tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước. Chính sách nhân văn của Nhà nước đã mang lại niềm vui, động lực to lớn cho giáo viên hợp đồng có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

 

Cô giáo N.T.N.N., giáo viên cấp 1 hợp đồng môn Tin học, tại thành phố Pleiku, vui mừng, cho biết: Tôi có bằng Đại học và tham gia giảng dạy hợp đồng từ năm 2010 tại nhiều trường trên thành phố Pleiku. Cứ mỗi khi kết thúc năm học là lại nơm nớp lo sợ không biết năm sau mình có tiếp tục được ký hợp đồng nữa hay không, vì nếu năm học tới, nhà trường có giáo viên biên chế về thì coi như mình bị loại. Nay nghe thông tin Nhà nước có chính sách tuyển đặc cách đối với những trường hợp giáo viên có hợp đồng trước năm 2015, tôi và nhiều đồng nghiệp rất phấn khởi và mong mình đạt các tiêu chí tuyển dụng để chúng tôi có công việc ổn định, tiếp tục được giảng dạy.

 

Trước niềm phấn khởi, sự hy vọng của hàng trăm giáo viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì có một số địa phương khi báo cáo lại không có trường hợp nào đủ điều kiện như công văn của Bộ Nội vụ yêu cầu. Trên thực tế, các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai không được thống nhất một nội dung triển khai công văn, mỗi địa phương triển khai đến các trường mỗi kiểu dẫn đến tình trạng, có đơn vị có hàng chục hồ sơ được sơ duyệt (thành phố Pleiku), lại có đơn vị không có hồ sơ nào (huyện Chư Prông).

 

Đơn cử như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Păh, đơn vị này đã thông báo đến toàn thể giáo viên trên địa bàn về công văn của Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ và tiếp nhận 12 hồ sơ. Tuy nhiên, do trong công văn của cấp trên chỉ nói tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội trước 31/12/2015, để tránh các trường hợp bỏ sót hồ sơ, Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Chư Păh đã nhận tất cả hồ sơ có các điều kiện trên và đến nay vẫn còn hợp đồng, có trình độ chuyên môn cả trung cấp, cao đẳng, đại học.

 

Còn đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai, đơn vị không nhận hồ sơ của các giáo viên đủ điều kiện trên nhưng chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo giải thích của đơn vị này thì chiếu theo văn bản của Sở Nội vụ Gia Lai việc tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Nghị định 161 thì vị trí việc làm của các giáo viên hợp đồng thuộc diện đặc cách này phải đòi hỏi từ trình độ đại học trở lên khi thi tuyển vào. Tuy nhiên, với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non mà Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý thì khi tuyển dụng chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng. Vì thế, nếu chiếu theo Nghị định 161 thì huyện Ia Grai không ai có đủ điều kiện nộp hồ sơ. Tuy nhiên, để tránh trường hợp bỏ sót chế độ cho giáo viên, đơn vị này vẫn đề xuất 6 trường hợp giáo viên hợp đồng đáp ứng được các điều kiện trên nhưng chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng.

 

Cô giáo Đ.T.N.K., giáo viên hợp đồng cấp 1, huyện Phú Thiện, cho hay, cô ra trường và giảng dạy từ năm 2013 cho đến nay. Tuy nhiên, chỉ có năm học 2017-2018, vì cả tỉnh Gia Lai cắt hết hợp đồng giáo viên nên cô K. không được đóng bảo hiểm từ phía Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện như những năm trước, mặc dù cô vẫn được nhà trường hợp đồng giảng dạy do trường thiếu giáo viên. Vì thế khi đi nộp hồ sơ, cô K. cũng không biết mình có đủ điều kiện hay không vì cô không có thời gian đóng bảo hiểm liên tục trong 5 năm như thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Thiện thông báo. Cô K. cũng cho biết thêm, rất nhiều trường hợp giáo viên trên địa bàn không nộp hồ sơ bởi không biết mình có đủ điều kiện dự tuyển hay không vì không được thông báo, giải thích rõ ràng về các quy định, điều kiện cụ thể trong công văn của Bộ và của Sở Nội vụ.

 

Gia Lai là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại cách trở nên các giáo viên hợp đồng mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải rất nỗ lực cùng với giáo viên biên chế đảm bảo sỹ số học sinh, mang con chữ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chính sách của Nhà nước đưa ra là nhân văn, tuy nhiên, nếu chiếu theo Nghị định 161 thì hầu hết các trường hợp giáo viên hợp đồng gắn bó nhiều năm với buôn làng, thôn bản tại Gia Lai lại không đủ điều kiện ứng tuyển. Thiết nghĩ, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố cần có những chính sách đặc thù cho mỗi vùng miền để không bỏ sót đối tượng cống hiến, đồng thời, có hướng dẫn thực hiện cụ thể cho các địa phương không lúng túng trong công tác triển khai thực hiện.

 

Theo Tintuc