Biển để làm gì?

(CTG) Việt Nam là nước duy nhất cho phép “nhận chìm vật chất” xuống biển - cụm từ không có trong thuật ngữ môi trường quốc tế.

Tôi phát hiện ra điều này ba năm trước, khi nhận được email chia sẻ tin tốt, rằng Bộ Tài nguyên Môi trường chấp thuận đề xuất của tỉnh Bình Thuận, không nhận chìm bùn thải nạo vét xuống biển mà đưa vào khu vực Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân. Người gửi email đã "chúc mừng" tôi vì kết quả ấy. Tôi trả lời không dám nhận bởi mình chỉ đóng góp ba bài báo nhỏ nhoi trong hàng trăm bài phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, chưa kể vô số phản đối "nhận chìm vật chất" xuống biển Việt Nam trên mạng.

Trước đó, suốt hai tháng ròng, dân chúng cả nước sục sôi vì nguy cơ thảm họa môi trường bởi gần một triệu mét khối mà Bộ Tài nguyên Môi trường chấp thuận cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được phép "nhận chìm vật chất" ở vùng biển Vĩnh Tân, chỉ cách 8 km từ Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Tuy vậy, việc ngừng "nhận chìm vật chất" của Điện lực Vĩnh Tân 1 không có nghĩa hành vi bức tử biển này được chấm dứt tại Việt Nam. Giấy phép nhận chìm mà Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp cho Vĩnh Tân 1 chỉ là phát súng mở màn cho phép doanh nghiệp xả thải xuống biển. Hưởng ứng "phong trào", ba nhà máy nhiệt điện than khác là Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đề xuất xin nhận chìm 2,4 triệu mét khối vật chất tương tự. Gần đây nhất, Bộ này tiếp tục cấp giấy phép nhận chìm gần 15,4 triệu mét khối bùn thải xuống vùng biển Dung Quất cho một công ty thép.

Công ước London (1972) và Nghị định thư London (1996) về "phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác" sử dụng thuật ngữ "xả thải xuống biển" (sea dumping), không có từ nào gọi là "nhận chìm". Họ không gọi đồng nhất "vật chất" trong hai văn bản này, mà chia ra rạch ròi là "chất thải" (wastes) và các chất khác ("other matter"). Nói cách khác, cách dùng thuật ngữ "nhận chìm vật chất" của ngành môi trường Việt Nam là chưa có tiền lệ và không phù hợp với tư duy luật pháp quốc tế.

Luật Bảo vệ môi trường được ban hành lần đầu tại Việt Nam năm 1993, sửa đổi hai lần vào năm 2005 và 2014. Nghiên cứu cả ba bộ luật này, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2005 thậm chí nghiêm cấm đổ chất thải ra biển. Thế nhưng, kể từ năm 2014 và đặc biệt sau sự ra đời của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2016, con hươu "vật chất" đã được vẽ cho con đường "nhận chìm" để chạy.

"Vật chất" được phép "nhận chìm" là gì? Đó là một loạt các loại chất nạo vét, bùn thải, chất thải thủy sản, tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển, các chất địa chất trơ và chất vô cơ, các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông... Nghĩa là, các chất thải có nguy cơ ô nhiễm biển cũng có thể được gọi là vật chất.

Trên bình diện quốc tế, các quy định về môi trường càng ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc theo tiến trình phát triển của nhân loại. Để kiểm soát ô nhiễm, thế giới từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa như một phương cách hữu hiệu không chỉ để giảm chi phí xử lý mà còn giảm lãng phí tài nguyên, tiết kiệm nguồn lực. Hai văn bản quốc tế nói trên khuyến khích hạn chế tối đa việc xả thải xuống biển và hướng đến cấm hoàn toàn xả thải xuống biển. Do vậy, việc hợp thức hóa xả thải xuống biển bằng cách "sáng tạo" khái niệm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là một bước lùi pháp lý và đi ngược lại với thông lệ quốc tế, bức hại biển. Dù lãnh đạo ngành môi trường luôn khẳng định "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", nhưng "nhận chìm ở biển" vẫn tiếp tục tồn tại trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường được thảo luận tại Quốc hội.

Việc cho phép "nhận chìm ở biển" chỉ tạo thuận lợi cho một số ít doanh nghiệp, nhưng vẽ ra triển vọng phá hủy tài nguyên và xâm hại lợi ích lâu dài của dân chúng. Một khi những nhà quản lý còn chưa quyết liệt bảo vệ môi trường, thì những bãi biển ở Vũng Tàu, Long Hải, Mũi Né, Nha Trang, Cửa Lò, Phú Quốc, Côn Đảo... vẫn còn hình hài của những bãi rác.

Làm việc trong lĩnh vực môi trường nhiều năm, tôi nhận thấy hiệu quả bảo vệ môi trường tại các địa phương và quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào sự thực thi của đội ngũ chấp pháp. Có luật mới là điều kiện cần, nhưng thi hành luật một cách nghiêm minh là điều kiện đủ. Luật có chặt chẽ đến mấy mà thi hành không nghiêm sẽ tạo ra nhờn luật, coi thường luật và dẫn đến sự vô pháp. Thảm họa môi trường Formosa, nguy cơ "bức tử sông Hậu" của nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, hay nỗi lo "Việt Nam không thể hóa rồng khi đầy bụi của nhiệt điện than" thật ra đã có thể hóa giải bằng việc thi hành luật. Dĩ nhiên, sửa đổi luật để phù hợp với tình hình mới cũng rất tốt, nhưng nếu không cải thiện khâu thi hành luật, sẽ không có gì đảm bảo môi trường của Việt Nam được trong lành hơn.

Có hai vấn đề nổi bật trong việc thi hành luật mà tôi mong đợi ngành môi trường tập trung cải thiện. Thứ nhất, ta bắt buộc tham vấn cộng đồng trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Như ở sự kiện Formosa, chính Bộ đã có văn bản cho phép công ty này lắp cống xả ngầm xuống biển từ năm 2014. Song, đến khi xảy ra vụ cá chết đầu năm 2016 thì báo chí mới biết, Đồn biên phòng Đèo Ngang, người dân Vũng Áng và thậm chí lãnh đạo Tổng cục Môi trường vẫn không hay biết về sự tồn tại của cống xả này. Nếu việc tham vấn cộng đồng được thực hiện đúng và đủ, bao gồm công khai báo cáo đánh giá, điều vô lý ấy đã không xảy ra. Tôi từng đọc nhiều báo cáo ĐTM đã được duyệt và nhận thấy rằng, khâu tham vấn cộng đồng đã chỉ làm cho có. Phần lớn kết quả tham vấn chỉ dừng lại ở ý kiến một chiều của đại diện ủy ban nhân dân hay ủy ban mặt trận tổ quốc xã, không có ý kiến đa chiều của người dân, các chuyên gia độc lập.

Thứ hai là quy định về sức chịu tải của môi trường và hạn ngạch xả thải. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã thừa nhận "chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải". Có thể ví, môi trường vượt quá sức chịu tải giống như một người đã uống rượu quá say, ta không thể bắt anh ta uống thêm được nữa, nếu không muốn nguy hiểm tính mạng. Việc cá chết hàng loạt do Formosa xả thải là một ví dụ khi biển đã bị ép "uống" quá nhiều "rượu độc". Tiếp sau sự bức tử biển là sự bức tử sinh kế và không gian sinh tồn của người dân.

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam vượt ngưỡng bởi hạn ngạch xả thải đã không được áp dụng khi cấp các giấy phép xả nước thải, khí thải. Ngạc nhiên ở chỗ, điều này đã được ghi rõ trong Luật Bảo vệ môi trường từ 15 năm trước.

"Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu", "bảo đảm mọi người đều có quyền được sống trong môi trường trong lành". Đó là hai điểm quan trọng trong Tờ trình dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ môi trường gửi Quốc hội mới đây. Làm sao dân chúng thấy và tin các nguyên tắc ấy nếu không ai thi hành những điều hợp lý và bãi bỏ những phi lý trong luật hiện hành?

Biển là nguồn sống tối quan trọng của người Việt Nam, là điểm tựa để giữ nước cho con cháu, không phải là nơi để "nhận chìm vật chất".

Nguyễn Đăng Anh T