Chia sẻ cùng thầy cô 2019: Vinh danh 63 thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số

(CTG) Tối nay 16/11/2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Lễ tuyên dương 63 thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Lê Thúy Anh; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn; ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long; cùng đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn và 63 thầy, cô giáo được tuyên dương.

Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại Lễ tuyên dương.

Phát biểu tại Lễ tuyên dương, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, chính thức ra đời từ năm 2015, “Chia sẻ cùng thầy cô” là hoạt động ý nghĩa của các đơn vị tổ chức ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Sau 4 năm chương trình đã tôn vinh được 214 giáo viên.

Năm nay, 63 thầy cô giáo có mặt trong chương trình là những người tiêu biểu đại diện cho các thầy cô giáo đang giảng dạy cho các em học sinh là người dân tộc thiểu số tại 5 trường dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trong toàn quốc.

“Cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước qua nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, chính các thầy cô giáo là người đã thắp lên, nuôi dưỡng những ước mơ, nâng bước các em trên chặng đường hiện thực hóa ước mơ, để tương lai của các em ngày càng tươi sáng hơn. Bằng sự tâm huyết và hy sinh của các thầy các cô, những người vượt qua khó khăn về hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán lối sống, rào cản ngôn ngữ trực tiếp gánh vác phần trách nhiệm nặng nề”, anh Phong cho biết.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao Kỷ niệm chương và Bằng khen của cho các thầy, cô giáo.

“Có rất nhiều thầy giáo, cô giáo từ biệt quê hương để đến với các học sinh vùng sâu, vùng xa để mang cái chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Có những thầy giáo, cô giáo vài năm mới được về thăm nhà. Hầu hết các thầy cô giáo có mặt trong chương trình hôm nay đã gắn bó rất lâu với các em, ít nhất cũng 5 năm, nhiều nhất là hơn 32 năm và phần lớn là trên 10 năm”, anh Phong nói.

Cũng theo anh Lê Quốc Phong: “không chỉ dạy dỗ, mà các thầy cô còn che chở, bảo ban, nâng niu, chăm sóc như những người cha người mẹ của các em. “Tất cả những gian khổ, hy sinh của các thầy giáo đã mang đến những thành quả ngọt ngào, được trả lại bằng tình yêu thương của các thế hệ học trò và các bậc phụ huynh học sinh; và lớn hơn là hình thành những công dân trẻ Việt Nam đủ tri thức, bản lĩnh, sáng tạo làm chủ đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mong muốn góp tiếng nói, hành động cụ thể, thiết thực của Hội LHTNVN và các đơn vị phối hợp tổ chức để truyền thống quý báu “Tôn sư trọng đạo” “Uống nước nhớ nguồn” được giữ gìn, lan tỏa trong thanh niên, xã hội. “Chúng tôi mong muốn và sẽ cố gắng để chương trình được duy trì, mở rộng trong những năm tiếp theo. Để chúng ta có thể tôn vinh không chỉ hàng chục mà thậm chí hàng trăm, hàng nghìn thầy cô giáo, những người đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ, để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò, và tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc”, anh Phong nhấn mạnh.

"Các thầy, cô đang làm một việc hết sức có ý nghĩa không chỉ cho các em học sinh dân tộc thiểu số mà còn cho tương lai các dân tộc, cho sự phát triển bình đẳng và bền vững của các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam" Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Lễ tuyên dương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã biểu dương, ghi nhận những cố gắng, sự hy sinh và những thành tích mà các thầy, cô giáo dạy học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" hằng năm.

Đồng thời mong muốn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHNT Việt Nam tiếp tục cải thiện cách tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa rộng rãi chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", vinh danh nhiều giáo viên tiêu biểu hơn nữa, thiết thực đẩy mạnh công tác giáo dục nói chung, giáo dục tại khu vực miền núi và dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng; chủ động tuyên truyền Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn nói riêng.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các chương trình hỗ trợ thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ để các thầy giáo, cô giáo có điều kiện thuận lợi hơn trong giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Lê Thúy Anh;  anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các thầy, cô giáo.

Được phát động vào ngày 25/7/2019, sau hai tháng triển khai, chương trình đã chọn ra được 63 gương thầy, cô giáo tiêu biểu trong các hồ sơ trên cả nước gửi về. Trong đó, có 23 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số. Người trẻ nhất là cô Mùa Thị A, SN 1993, công tác tại Trường mầm non Hoa Đào (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Người lớn tuổi nhất là cô Nguyễn Thị Mai Hương, SN 1965, làm việc tại Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Cô Mai Hương cũng là người có thời gian tham gia giảng dạy lâu nhất trong số các thầy, cô được tuyên dương năm nay (32 năm 2 tháng).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao kỷ niệm chương và Bằng khen cho các giáo viên

Anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tổng GD Tập đoàn Thiên Long Nguyễn Đình Tâm trao Kỷ niệm chương và bằng khen cho các giáo viên.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng mỗi thầy, cô giáo một sổ tiết kiệm mười triệu đồng, Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng nhiều hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã triển khai cuộc thi sáng tác ca khúc "Chia sẻ cùng thầy cô". Trong ba tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi. Ban Tổ chức đã trao một giải B tặng ca khúc "Lớp học giữa mây trời" - tác giả Hoàng Thành; trao hai giải C tặng các ca khúc "Người lái đò" - tác giả Đậu Hoài Thanh và "Gập ghềnh con chữ lên non" - tác giả An Hiếu. Cuộc thi không có tác phẩm đoạt giải A.

Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng GĐ Tập đoàn Thiên Long bày tỏ: Thành công của chương trình cũng đến từ chính tên của chương trình, đó là "chia sẻ". "Chia sẻ" hoàn toàn khác với biếu hay là tặng. Chúng ta có thể biếu, có thể tặng hay cho người khác nhiều món quà vật chất, nhưng "chia sẻ" chỉ có khi có tình yêu thương, sự cảm thông, trân trọng và đồng điệu về tâm hồn. Chương trình của chúng tôi hướng tới điều đó, những tấm lòng, những trái tim, kết nối, cảm thông và đồng điệu để có thể chia sẻ với nhau. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà Thiên Long luôn hướng tới – với sứ mệnh góp sức cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, cùng với xã hội và những ai vẫn luôn vững tin vào những giá trị đạo đức cao đẹp.

Những tiết mục văn nghệ được các thầy, cô và các em học sinh biểu diễn.

Hải Đăng