Hãy dạy trẻ cách tiêu tiền

(CTG) Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cho rằng việc có nên cho con mang tiền đi học hay không chỉ là chuyện rất nhỏ so với việc dạy trẻ cách tiêu tiền.

MỸ QUYÊN

Trẻ mấy tuổi thì được tiêu tiền và số tiền bao nhiêu là hợp lý, những hệ luỵ nếu trẻ mang tiền đi học... là những vấn đề khiến nhiều phụ huynh 'đau đầu'.

"Tiền dư của con tôi bị bạn lấy mua đồ"

Phụ huynh Nguyễn Xuân Lý, có con học lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: "Vì cháu thích ăn bim bim và bánh nên thi thoảng tôi vẫn đưa tiền cho cháu mang lên lớp mua ăn mỗi lần ra chơi. Thường tôi cho cháu 10-20.000 đồng, hôm nay mua còn dư thì để hôm sau mua tiếp. Nhưng về cháu kể có mấy bạn cũng muốn ăn nên nói cháu mua hết luôn để ăn chung. Hoặc có lần còn dư tiền thì mấy người bạn lại xin cháu để đi mua".

Theo anh Lý, số tiền đó không đáng bao nhiêu, chỉ là vì con nít thấy bạn ăn nên muốn ăn chung là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là anh không biết nên làm như thế nào tiếp theo. "Nếu bảo cháu không được cho bạn ăn thì ích kỷ quá, nhưng nếu mình cứ đưa tiền để con đi mua đồ cho cả nhóm ăn thì cũng vô lý, không lẽ không cho con tiền nữa?", anh Lý băn khoăn.

Trong khi đó, chị Nguyễn Kim Chi có con học lớp 4 Trường tiểu học Phú Thọ Hoà, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể lại: "Có lần đi học về, con tôi phụng phịu nói rằng các bạn trong lớp được ba mẹ cho tiền mua bánh, kẹo, nước ngọt uống. Thấy các bạn ăn uống, con thèm quá. Và con tôi muốn tôi cho tiền như thế. Đúng là thấy bạn bè có tiền mua đồ ăn, những món đồ chơi nhỏ nhỏ, không đứa trẻ nào là không cảm thấy có chút ghen tị. Nhưng tôi lo lắng con có tiền trong tay, ngày nào cũng sẽ mua nước ngọt uống, không tốt chút nào. Điều đáng nói là có cháu cậy mình có tiền, đã ra điều kiện ai muốn được ăn bánh phải xách cặp giùm, hoặc bị 'sai vặt'. Tôi sợ con sẽ cũng như vậy nên vẫn chưa cho con mang tiền đi học"

Chị Chi phải giải thích với con rằng mang tiền đi sẽ rất nguy hiểm, lỡ có người lấy mất. Rồi chị luôn để sẵn sữa và bánh quy vào ba lô cho con ăn giờ ra chơi.

Nên dạy con cách tiêu tiền từ nhỏ

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cho rằng việc có nên cho con mang tiền đi học hay không chỉ là chuyện rất nhỏ so với việc dạy trẻ cách tiêu tiền. "Mỗi lứa tuổi đều có thể có cách dạy phù hợp về đồng tiền. Dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy chúng học cách làm người, làm chủ bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay. Ngoài ra, dạy thói quen quý trọng tiền bạc, chi tiêu có kế hoạch. Những trẻ em được giáo dục đầy đủ về quản lý và sử dụng tiền bạc sau này thường có khả năng làm kinh tế giỏi", tiến sĩ Thúy nhận định.

Nhiều phụ huynh vẫn phân vân không cho con tiền thì sợ con khi lớn lên không biết sử dụng tiền và kiếm tiền, mà cho rồi lại lo ngại không biết con mình dùng tiền đó có hợp lý hay không, và nếu cho thì nên cho bao nhiêu tiền là vừa? Theo thạc sĩ Thúy, vấn đề đều không nằm ở chỗ đó, mà là dạy và theo dõi xem trẻ sử dụng số tiền đó như thế nào. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ để dành tiền thưởng, tiền lì xì, sinh nhật… để chúng tự mua sắm những thứ thật cần thiết và thống nhất là ba mẹ chỉ chu cấp các khoản học phí, sách vở, ăn uống mỗi ngày. Nên công khai cho trẻ biết khả năng tài chính và nguồn thu nhập của gia đình, sự vất vả của cha mẹ trong công việc để trẻ thấy kiếm được tiền không dễ dàng, và cho trẻ biết các chi phí trong nhà như tiền điện, nước, điện thoại, chi phí sinh hoạt, học phí… cũng là cách giáo dục trẻ chi xài hợp lý.

"Trẻ 3 tuổi, phải được dạy nhận biết và phân loại các loại tiền, biết một cách đơn giản tiền ở đâu mà có. Và tiền dùng để làm gì? Trẻ 4 tuổi thì học cách dùng tiền để mua những thứ đơn giản như bút vẽ, kẹo, đồ chơi, đồ ăn. Nhưng vẫn cần người lớn đi kèm. Trẻ 5 - 7 tuổi cần được làm quen với việc nhận đều đặn những khoản tiền nho nhỏ cho ăn sáng, uống sữa. Trẻ 8 - 11 tuổi nên được giúp tự kiếm tiền tiêu vặt bằng cách thu gom đồ ve chai bán, hoặc bán báo, rửa xe, phụ bán hàng giúp cha mẹ để được trả công... Đến 12 - 15 tuổi, cha mẹ cần dạy con cách quản lý tiền, cách chi tiêu và tiết kiệm. Để khi 16 - 18 tuổi là các con có thể độc lập tài chính, có 'ngân quỹ' riêng", tiến sĩ Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên.

Để cùng bàn luận thêm về vấn đề “Có nên cho con mang tiền đi học?”, Thanh Niên Online rất mong nhận được những bài viết, chia sẻ từ các phụ huynh, giáo viên, chuyên gia... về chủ đề này. Bài viết của quý bạn đọc có thể gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết được đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Theo TN