Lớp học chống xâm hại của cô giáo Loan

(CTG) “Khi bị tấn công, xâm hại hay hoảng sợ, các con hãy gọi điện tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, cho gia đình hoặc cũng có thể gọi 113”, cô giáo Phan Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vừa dứt lời, nhiều học sinh liền giơ tay hỏi: “Tụi con có thể gọi cho cô được không ạ?”.

 

Cô Thùy Loan cùng học sinh trao đổi cách xử lý tình huống trong buổi học kỹ năng chống bạo lực học đường. Ảnh: Thanh Trần

Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra có chiều hướng ngày một phức tạp, nghiêm trọng hơn. Nhiều vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến cả xã hội hết sức hoang mang, lo lắng. Hơn một năm nay, cô giáo Loan mở lớp dạy cho học trò những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, thu hút nhiều học trò tham gia.

Nhận diện mối nguy

Đúng 8h sáng Chủ nhật, phòng âm nhạc trên tầng 2 gần kín học sinh. Không em nào tới muộn, tất cả ngồi nghiêm túc, chỉ khác ngày thường ở chỗ là học trò đủ cấp 1, 2, 3 ở các trường khác cũng tìm tới. Cô Loan nở nụ cười thân mật, bắt đầu buổi học phòng chống bạo lực học đường.

Cô bước xuống từng bàn, hỏi từng em một dấu hiệu nhận biết một học sinh thích bạo lực. Mỗi trò một ý và đi đến điểm chung: Nhìn rất trẻ trâu, to khỏe, thích nổi bật, mặt khó ưa, thường có đàn em đi theo… “Vậy còn ai là người bị bạo lực? Là người sống khép mình, người khuyết tật, người khác biệt về năng lực lẫn hoàn cảnh gia đình, thể chất yếu đuối…Và cũng có thể là các em, nếu bản thân mình không dám lên tiếng”, cô Loan nói. Cả lớp lặng im, những khuôn mặt non nớt thoáng chút sợ hãi khi biết mình cũng có thể là nạn nhân.

Cô Loan nhắc lại câu chuyện 231 cái tát đáng buồn, những vụ học sinh phải “xử” nhau ngay trong trường, cả những câu chuyện bạo lực tinh thần học sinh bằng chửi mắng, dọa nạt. “Cô muốn các em phải lên tiếng.Trước hết là khi mình bị bạo lực, hãy nói với thầy cô, gia đình hoặc những người xung quanh, họ sẽ giúp. Còn nếu thấy người khác gây hấn dù mình không làm gì sai, cũng phải mạnh mẽ lên tiếng chứ không được cắn răng cam chịu”, cô nhắc nhở.

Cả lớp tiếp tục với tình huống một bạn nam thích gây gổ đánh nhau, và xem phản ứng từng học trò. Đa số bạn gái hoảng sợ không dám nói hoặc lí nhí nơi cổ họng, còn trò nam thì “sửng cồ” lại. Đó không phải là cách đối mặt tốt, cô Loan bày cả lớp phải hết sức bình tĩnh, đứng trước mặt đối phương và hỏi “Vì sao bạn gây gổ với tôi/ tôi làm gì sai mà bạn đòi đánh tôi?...”. Qua mấy lần tập dượt, dần dần các em cũng làm được.

Cô Loan chưa vội kết thúc bài học mà kể thêm câu chuyện 10 năm về trước, một học sinh đã giải quyết mâu thuẫn bằng nhát dao vào mặt bạn ngay giữa trường. Khi tìm hiểu mới hay, em này sinh ra trong một gia đình cha thường xuyên rượu chè và đuổi đánh mẹ, ít nhiều em bị ảnh hưởng.10 năm sau gặp lại, cậu học trò năm nào giờ đã thành đạt, tham gia nhiều câu lạc bộ, hội nhóm giúp ích cho xã hội.

Cô nhắn nhủ với cả lớp: “Họ đang chịu sự tổn thương, không kiểm soát bản thân trong một thời điểm nào đấy, nhất là khi còn trẻ. Họ không phải là người xấu. Cô mong các con hãy tìm hiểu và giúp đỡ bạn thay vì xa lánh”.

Ðể trẻ sống an toàn, tự tin

Những lớp học của cô Loan thường dạy vào sáng Chủ nhật. Ngoài kỹ năng chống bắt cóc, bạo lực học đường, xâm hại tình dục… cô còn giúp các em giao tiếp hiệu quả, quản lý thời gian tốt hơn. Điều quan trọng nhất mà cô muốn đem lại cho học trò là nhận diện được những mối nguy hiểm, đối tượng xấu xung quanh mình; nếu không, việc tự vệ, xử lý hết sức khó khăn.

“Làm giáo viên nhiều năm, tôi thấy các em còn thiếu quá nhiều kỹ năng mềm để sống thật sự an toàn, vui vẻ. Muốn có hành động cụ thể giúp học trò, tôi nghĩ ra cách mở lớp học này để trang bị tâm lý, kỹ năng cho các em tốt hơn”, cô Loan chia sẻ.

Từ hè năm 2018, lớp học diễn ra đều đặn vào các sáng chủ nhật. Nội dung buổi học được cô thông báo trước trên trang cá nhân. Ban đầu chỉ học sinh trong trường, dần dần học trò các trường khác biết đến lớp học của cô Loan nên tìm đến đông hơn. Có buổi hơn 50 em.

Để giờ học kỹ năng thêm thực tế và hấp dẫn, cô Loan mời cả thầy dạy võ hoặc các chú công an đến giúp các em “thực hành” kỹ năng thoát hiểm. Bạn Trương Anh Bảo Trân (lớp 6/4), kể: “Hôm trước học phòng tránh xâm hại tình dục, con được cô chỉ dạy nhiều kiến thức và thầy dạy võ bày cho cách tự vệ. Em gái con cũng có mặt và đã về bày lại cho cả ba mẹ nữa. Bây giờ con đã biết được cách xử lý khi gặp “yêu râu xanh”, bị bạn gây hấn hoặc những tình huống khó khăn khác”.

Đưa con trai đang học lớp 7 tới lớp của cô Loan từ những ngày đầu, anh Thái Cao Tần (quận Hải Châu), cảm kích: “Từ khi có lớp học này, cháu thay đổi rất nhiều. Trước hết là chỉnh đốn giờ giấc sinh hoạt, học tập hợp lý. Khi ra ngoài, cháu cũng để ý từ ăn mặc đến thái độ, giao tiếp hơn trước. Xã hội ngày càng phức tạp, phụ huynh không thể kề cận và quản lý con 24/24, nên lớp học của cô Loan rất hữu ích. Cô trang bị cho các cháu kỹ năng, cách tháo gỡ rắc rối để sống an toàn, tự tin hơn”.

Tham gia hỗ trợ lớp học kỹ năng của cô Loan, đại úy Đặng Minh Hùng, Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) nhìn nhận đây không chỉ là một lớp trang bị kỹ năng đơn thuần. Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên, chia sẻ những kiến thức, hiểu biết và kỹ năng của mình có được cho những người khác.Từ đó cái xấu được nhận diện và đẩy lùi, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo TP