Sinh viên HUTECH làm nghiên cứu khoa học về khởi nghiệp sinh viên

(CTG) Trước “làn sóng khởi nghiệp” trong các trường đại học hiện nay, làm thế nào để hoạt động khởi nghiệp sinh viên không rơi vào tính chất phong trào? Làm thế nào định hướng được sinh viên lựa chọn khởi nghiệp một cách nghiêm túc, có sự chuẩn bị kỹ càng - kể cả chuẩn bị cho thất bại?

Tấn Phát, Minh Tân, Thùy Duyên nhận giải Nhì tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ 2019

Những câu hỏi đó là động lực để nhóm Đoàn Minh Tân, Tô Thùy Duyên, Nguyễn Tấn Phát - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) thực hiện nghiên cứu về “Tác động của môi trường đại học lên dự định khởi nghiệp của sinh viên tại các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM”, do ThS. Hà Thị Thùy Trang (giảng viên HUTECH) hướng dẫn. Đề tài vừa xuất sắc giành giải Nhì tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Bộ 2019.

Tiên phong khảo sát định lượng các yếu tố tác động đến khởi nghiệp sinh viên

Đề tài hướng tới hai mục tiêu chính; thứ nhất, xác định các nhân tố thuộc môi trường đại học tác động đến dự định khởi nghiệp của sinh viên và thứ hai, đưa ra hàm ý quản trị nhằm tăng cường tinh thần khởi nghiệp đối với sinh viên trong môi trường đại học, mà trước hết là ở các trường đại học ngoài công lập.

Nghiên cứu của nhóm sinh viên Quản trị kinh doanh HUTECH cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên tiến hành khảo sát định lượng đối với các nhân tố như khóa đào tạo khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ, hoạt động truyền cảm hứng, học qua thực tế,... tại trường đại học cùng mức độ tác động của các nhân tố này lên dự định khởi nghiệp của sinh viên. “Việc khảo sát định lượng làm cơ sở để đưa ra kiến nghị là đóng góp quan trọng của đề tài, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động định hướng và đào tạo khởi nghiệp tại trường đại học. Em nghĩ đây cũng là yếu tố giúp đề tài của nhóm em đạt giải tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ, vì năm nay lĩnh vực khoa học xã hội có rất nhiều đề tài hay!”, sinh viên Đoàn Minh Tân (trưởng nhóm) hào hứng chia sẻ.

Đề tài NCKH về khởi nghiệp là một trong hai đề tài của HUTECH

vào Chung khảo Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ 2019

 

“Trải nghiệm là động lực số 1 để chọn nghiên cứu về khởi nghiệp!”

 

Năm 2018, Minh Tân và Tấn Phát từng gây ấn tượng tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can với đề tài Quán ăn “Không gian sử Việt” (giành giải Nhì chung cuộc). Học Quản trị kinh doanh, từng thử sức kinh doanh cacao, học phần Khởi nghiệp trong chương trình chính thức kích thích sự ra đời của “Không gian sử Việt” dự thi Lương Văn Can, dưới sự đồng hành của mentor Phạm Bảo Giang. Giải thưởng đưa nhóm sinh viên HUTECH đến với hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018 có chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - nhịp cầu kết nối người trẻ đam mê khởi nghiệp trên cả nước.

 

 

Minh Tân - Tấn Phát từng giành giải Nhì tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018

 

“Những trải nghiệm của bản thân khi học ngành Quản trị kinh doanh, thử sức kinh doanh, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và chương trình đào tạo khởi nghiệp tại HUTECH,... là động lực đầu tiên để nhóm em chọn nghiên cứu về đề tài này. Một động lực khác là làm để có thể cùng nhau “đi thật xa” với đề tài khởi nghiệp mà cả ba thành viên đều rất quan tâm, hứng thú,” Minh Tân cho biết. Còn với Thùy Duyên, thành viên nữ duy nhất của nhóm thì: “Năm 2018 khoa Quản trị kinh doanh đã có một nhóm các anh chị làm nghiên cứu về khởi nghiệp bằng nhượng quyền đạt giải thưởng cấp Bộ. Đó cũng là một động lực nữa cho tụi em, cảm thấy mình như là người “tiếp nối truyền thống” của khoa vậy!”.

 

Thêm ứng dụng thực tiễn trong môi trường đào tạo thực tiễn

 

“Tại Triển lãm đề tài vòng Chung khảo, BTC dành cho mỗi trường một bàn giới thiệu kết quả nghiên cứu. HUTECH có hai đề tài vào Chung khảo, các bạn ngành Công nghệ sinh học có chế phẩm và các cây đậu phộng ươm trồng nhìn rất bắt mắt, còn tụi em nghiên cứu về kinh tế nên chỉ có CD, kỷ yếu và poster thôi. Trưng bày xong tụi em cũng hơi “ngờ ngợ” vì không thấy ứng dụng đâu cả!”, Thùy Duyên kể. Đó cũng là “khó khăn” của nhiều nhóm sinh viên, nhiều đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội khi dự giải thưởng.

 

 

Nhóm sinh viên cùng GVHD - ThS. Hà Thị Huyền Trang

tại Triển lãm đề tài vòng Chung khảo Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ 2019

 

Nhưng ứng dụng của đề tài đến theo cách khác. Sau khi được báo cáo cấp Trường, nhiều kiến nghị của đề tài - về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hoạt động trải nghiệm thực tế, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên,... - đã được HUTECH chú trọng đẩy mạnh, như hướng dẫn, hỗ trợ sinh tham gia chung kết “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” (04 & 05/10/2019), hỗ trợ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc trong cuộc thi Startup Wheel. Bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp như VinTech City, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) hay Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), “lắng nghe” ý kiến của chính sinh viên là điều kiện cần để “bệ phóng khởi nghiệp” trong trường đại học ngày càng thực tiễn, thân thiện và hiệu quả hơn.

 

 

Theo TPO