Thanh niên vượt khó khởi nghiệp

(CTG) Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Lê Văn Thuận, ngụ thị trấn Tân Hưng, tỉnh Long An luôn ấp ủ ước mơ được lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê nhà. Anh không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và người dân địa phương.

 

Thử sức với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín, Lê Văn Thuận lợi nhuận 30 triệu đồng/tháng.

Học tập Bác đức tính cần cù, yêu lao động với tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực vượt khó để vươn lên, năm 2016 anh Thuận quyết định thử sức với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Sau 2 năm làm việc cho một công ty chuyên về trồng nấm rơm ở Đồng Tháp, anh đã tích lũy được vốn kiến thức và kinh nghiệm. Năm 2018, anh trở về địa phương khảo sát nhu cầu thị trường cũng như tiềm năng phát triển của mô hình và quyết định trồng nấm rơm trong nhà kín.

Ban đầu, khi bắt tay vào trồng nấm rơm, anh Thuận gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, tìm địa điểm, thuê nhân công. Thế nhưng, với sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân, bạn bè nên anh đã sớm vượt qua, từng bước ổn định sản xuất. Được biết, khi mới trồng nấm rơm, anh phải mượn kho lúa của người quen và dùng bạt ngăn làm 3 phòng để trồng.

Theo anh Thuận thì trồng nấm rơm trong nhà kín có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng ngoài trời, nhưng bù lại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, người trồng có thể kiểm soát tốt yếu tố môi trường như nhiệt độ, ẩm độ, giảm được lượng rơm nguyên liệu; tiết kiệm được công lao động; có thể trồng quanh năm và năng suất tăng nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Việc trồng nấm được anh anh áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là khâu chọn meo giống. Để đảm bảo năng suất nấm và chủ động hơn trong sản xuất, anh tự tìm tòi, nghiên cứu và tự sản xuất ra meo giống. So với meo giống ngoài thị trường thì meo giống của anh đảm bảo chất lượng tốt và vì thế năng suất nấm cũng cao hơn. Thường thì mỗi vụ nấm rơm có thời gian khoảng hơn 1 tháng và thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 7 - 8 ngày. Đợt 1 thu hoạch trong 5 ngày; sau đó khoảng 3 ngày sẽ thu hoạch đợt 2.

Từ 3 nhà trồng ban đầu, đến nay anh Thuận đã mở được cơ sở trồng nấm rơm với 18 nhà trồng; mỗi nhà có diện tích 30m2 và được xây dựng theo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và nấm phát triển tốt, cho năng suất cao. Trung bình mỗi tấn rơm nguyên liệu, nấm của cơ sở anh cho năng suất từ 120-130 kg. Hiện mỗi ngày cơ sở của anh Thuận thu hoạch được 20-30 kg nấm, những ngày thu hoạch rộ lượng nấm tăng lên 50-60kg. Nấm được bán cho các tiểu thương ở chợ thị trấn Vĩnh Hưng, Tân Hưng với giá 50 ngàn đồng/kg và lượng nấm hiện tại của cơ sở không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Theo ước tính, mỗi tháng cơ sở của anh có tổng doanh thu từ 80-90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, anh Thuận đã hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho 2 hộ nông dân ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và bước đầu cho thấy 2 hộ này đạt được hiệu quả khá cao. Bên cạnh, cơ sở của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, cùng 2 lao động thời vụ khi tới đợt thu hoạch nấm với tiền công 25 ngàn đồng/tiếng.

Anh Thuận cũng ấp ủ nhiều ước mơ, dự định trong tương lai nhằm mở rộng sản xuất. Trong đó, anh đang phối hợp nghiên cứu để tạo ra sản phẩm meo nấm dạng lỏng, nhằm thay thế cho meo giống dạng rắn hiện nay. Qua đó, giúp bản thân và người nông dân trồng nấm giảm bớt chi phí, đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn.

Với những nỗ lực của mình trên bước đường khởi nghiệp, anh Lê Văn Thuận xứng đáng là tấm gương thanh niên tiêu biểu vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương với thành tích xuất sắc trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020./.

Hồng Kết
Tỉnh Đoàn Long An