12 năm lên núi gắn bó với trò nghèo

(CTG) Từ miền xuôi tình nguyện lên giảng dạy và công tác tại một vùng núi xa xôi cách nhà hàng trăm cây số, đến nay cũng đã 12 năm, thế nhưng, chưa một lần thầy giáo trẻ ấy phàn nàn hay muốn bỏ về, ngược lại, anh còn thấy thêm yêu nghề mà mình đã chọn…

Đó là thầy giáo Phạm Văn Huy, sinh năm 1985 ở Đông Hưng (Thái Bình). Anh Huy đã tình nguyện lên Lai Châu để tham gia giảng dạy, mang cái chữ cho học sinh miền núi. Anh hiện là Bí thư đoàn trường THPT Mường Kim (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu).

Thầy Huy cùng học trò miền núi

Vượt khó để dạy học

Trường THPT Mường Kim nơi thầy Huy đang công tác à một trường đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, con em đồng bào dân tộc chiếm 98%, gồm các dân tộc Mông, Thái, Tày, Kinh… trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ động nhất.

Đó cũng chính là khó khăn trong quá trình các thầy cô giáo từ miền xuôi lên miền ngược dạy học. Bởi để hiểu được phong tục tập quán và giao tiếp bằng ngôn ngữ dân tộc với người địa phương là cả một quá trình “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”.

Bên cạnh đó việc duy trì sỹ số và tỷ lệ chuyên cần cũng rất khó với những thầy giáo như anh Huy và nhà trường. Do phong tục tập quán nên nhiều học sinh lập gia đình rất sớm, đôi khi các em đang học đã lập gia đình. Vì vậy việc các em đi học không được thường xuyên, đặc biệt là học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nếu các em không đi học đầy đủ thì việc lĩnh hội kiến thức các môn học rất khó khăn nên các thầy cô luôn cố gắng ngoài dạy kiến thức phải nắm bắt được tâm lý của các em.

12 năm công tác miền núi với điều kiện khó khăn và xa nhà, những tưởng bản thân mình không thể vượt qua được, thế nhưng, cảm động với tình thương yêu của đồng nghiệp, của người dân Lai Châu dành cho các thầy cô, anh Huy lại phấn đấu để vượt qua.

Còn nhớ, ngày mới rời quê hương lên đây, cuộc sống của bà con còn lạc hậu, kém xa miền xuôi rất nhiều mặt nên anh Huy đã tự động viên bản thân phải đóng góp được công sức của mình để giúp đỡ học sinh miền núi thoát nghèo khổ.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đi vận động học sinh tại xã gần biên giới Trung Quốc cách 1 con suối. Sau thời gian chúng tôi đi bộ vượt qua suối qua đồi thì cũng tới được nhà học sinh. Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến ngôi nhà rách nát, bữa cơm trưa cho cả 3 thế hệ 9 người là nồi khoai và ngô với bát canh rau rừng.

Cảm động hơn khi tôi biết lý do em nghỉ học chỉ là về nhà vài ngày trông nom chồng bị tai nạn rồi sẽ lại quyết tâm đi học để thành người. Thương hoàn cảnh gia đình, khi chúng tôi góp tiền vào để giúp đỡ, em học sinh ấy không nhận cho đến khi tôi nói rằng đó là tiền quỹ của hội chữ thập đỏ, em và gia đình mới nhận” – Thầy Huy chia sẻ.

Sau này, nhờ lòng quyết tâm ham học chữ và sự giúp đỡ của nhà trường, em học sinh đó cũng đã học hết lớp 12 và đang là hội trưởng hội phụ nữ của một xã vùng biên giới.

Nhờ làm tốt công tác bán trú, học sinh miền núi đã ấm no hơn

Quê hương thứ hai

Hơn chục năm gắn bó với đồng bào miền núi, thầy Huy đã gắn bó tình cảm với nơi đây và coi đó là quê hương của mình. Trong suốt quá trình công tác, anh cùng đồng nghiệp đã có những sáng kiến đóng góp để học sinh được cải thiện bữa ăn trưa, được đầy đủ hơn về cơ sở vật chất và đảm bảo sức khỏe học tập. Mỗi việc làm được, anh Huy đều xuất phát từ tấm lòng của người thầy với học trò nghèo.

Nói về những dự định trong tương lai, thầy giáo Huy vẫn say sưa kể về từng kế hoạch cho học trò của mình: “Trong năm học tiếp theo bản thân tôi sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ là bí thư đoàn trường và làm công tác bán trú.

Đồng thời, tôi sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động hữu ích cho đoàn viên thanh niên mình tham gia, trồng nhiều hơn nữa rau xanh và có thể nuôi thêm lợn để tăng thêm nguồn thu nhập cho học sinh bán trú. Trong năm học tới, BCH Đoàn trường sẽ nhận đỡ đầu 2 đến 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng sẽ hỗ trợ các em 100.000 đến 200.000 đồng để các em có thể tiếp tục theo học hết lớp 12”.

 

Theo GD&TĐ (MN)