9X bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây

Dù đang có công việc ổn định, nhưng anh Phạm Công Cường (28 tuổi, ở xã Dương Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn quyết định trở về quê khởi nghiệp với cây măng tây.

Sinh ra ở miền quê nông nghiệp, Phạm Công Cường có lý do theo đuổi đam mê và thi vào Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế). Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, anh xin được việc làm đúng với chuyên môn mà mình đã học tại tỉnh Ninh Thuận với mức thu nhập ổn định.

Trong thời gian đó, vừa miệt mài với công việc hiện tại nhưng trong tiềm thức Cường vẫn đau đáu một nỗi niềm mang tên khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Anh Phạm Công Cường bước đầu thành công sau khi khởi nghiệp với cây măng tây

“Quá trình đi làm, được tiếp xúc, học hỏi nhiều cách làm hay của người nông dân, tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ về phát triển nghề nông theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Sau nhiều lần khăn gói lên đường học tập kinh nghiệm của các mô hình canh tác nông nghiệp tại một số tỉnh lân cận, tôi quyết định chọn cây măng tây xanh vì nó vừa hợp thổ nhưỡng địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế cao và thị trường rất ưa chuộng”, anh Cường chia sẻ.

Khi đã tích lũy vốn kiến thức nhất định, Cường quyết định trở về quê và lên phương án thực hiện ý tưởng đã ấp ủ lâu nay. Ban đầu, anh thuê 0,5 ha đất của hợp tác xã để trồng thử nghiệm 10.000 cây măng tây xanh và tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Dù đã nghiên cứu, học tập và làm việc tại các mô hình hiệu quả nhưng khi bắt tay vào thực tế, anh Cường gặp không ít khó khăn. Ngoài nguồn vốn thì việc áp dụng mô hình từ tỉnh Ninh Thuận vào H.Lệ Thủy (Quảng Bình) không hoàn toàn phù hợp do khác biệt về điều kiện tự nhiên. Cây măng tây bị bệnh khô vằn lá nên thời gian thu hoạch bị chậm trễ, thay vì 6 tháng thì phải đến gần 9 tháng mới có thể thu hoạch.

Theo TN