Á khoa Công nghệ hàng không vũ trụ trúng tuyển 5 đại học Mỹ

(CTG) Không thành công ở Hàn Quốc và châu Âu, Đức chuyển hướng sang Mỹ và trúng tuyển chương trình tiến sĩ của 5 trường.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3, Nguyễn Văn Đức, 24 tuổi, nhận được thư mời nhập học chương trình tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí từ 5 trường của Mỹ, gồm Đại học Connecticut, Đại học bang New York, Đại học Khoa học và Công nghệ bang Iowa, Đại học Texas và Đại học bang North Dakota.

Các trường này đều trong nhóm R1 - những trường có hoạt động nghiên cứu tốt nhất ở Mỹ.

"Mình không nghĩ có thể trúng tuyển 5 trường Mỹ, nhất là khi không nhận được phản hồi từ các giáo sư ở châu Âu hay Hàn Quốc, dù gửi hồ sơ trước", Đức nói.

Chàng trai quê Bắc Giang đã chọn Đại học Connecticut - trường hạng 58 tại Mỹ, theo US News. Ngoài được miễn học phí, Đức nhận khoản hỗ trợ gần 28.000 USD (700 triệu đồng) một năm trong vai trò trợ lý nghiên cứu của giáo sư. Khoản này tăng dần trong quá trình học.

Nguyễn Văn Đức, cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm
Nguyễn Văn Đức. Ảnh: Dương Tâm

Đức sinh ra trong gia đình thuần nông, bố làm thợ xây, mẹ phụ việc ở nhà máy gạch tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Học trường làng từ nhỏ, Đức nung nấu mong muốn vươn ra ngoài bằng con đường học tập.

Đỗ nguyện vọng 1 ngành Công nghệ hàng không vũ trụ của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2018, Đức nghĩ cơ hội rộng mở vì trường tuyển sinh ngành này năm đầu, lại hiếm nơi đào tạo. Ngay thời điểm đó, Đức nghĩ đến việc học lên cao để thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Vì thế, từ năm thứ hai, Đức tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm FPCFD của TS Dương Việt Dũng, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ. Từ chỗ chỉ tập đọc công bố quốc tế, tổng hợp dữ liệu, Đức tự nâng cao khả năng phân tích dữ liệu, lập trình, sử dụng các phần mềm mô phỏng để nhận những nhiệm vụ chuyên sâu, độc lập theo hướng dẫn của thầy.

"Mọi thứ đều mới mẻ, rất khác kiến thức cơ bản trên lớp, buộc mình phải tự tìm tòi, học hỏi để không bị văng ra khỏi guồng quay của lab", Đức nói. "Thức khuya dậy sớm để vừa đảm bảo việc học, vừa nghiên cứu là chuyện như cơm bữa".

Kết quả, Đức có 3 công bố khoa học trên tạp chí ISI hạng Q1/Q2 (nhóm uy tín nhất về lĩnh vực), trong đó Đức là tác giả đầu của một bài báo trên tạp chí Q2. Ngoài ra, nam sinh cũng có hai công bố tại hội thảo khoa học quốc gia và hai nghiên cứu khác đang trong giai đoạn bình duyệt trước khi xuất bản.

Về học tập, Đức tốt nghiệp á khoa của ngành Công nghệ hàng không vũ trụ với điểm trung bình 3.54/4; đồ án tốt nghiệp đạt 9,9/10 điểm, cao nhất khóa.

Đức khi làm việc ở lab FPCFD. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức khi làm việc ở lab. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức nhìn nhận các thành tích đó giúp mình có hồ sơ (CV) đẹp để ứng tuyển vào chương trình sau đại học. Dù vậy, ngoại ngữ hạn chế khiến cậu tự ti về khả năng ra nước ngoài.

"Mình đã nộp hồ sơ chương trình thạc sĩ tại Việt Nam, nhưng rồi thầy cô động viên xin học bổng tiến sĩ ở nước ngoài nên quyết định thử sức", Đức kể.

Mục tiêu của Đức ban đầu là Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đức vừa tự trau dồi tiếng Anh, vừa tìm kiếm thông tin về trường đại học, giáo sư có hướng nghiên cứu gần với mong muốn của mình. Tháng 7/2023, nam sinh bắt đầu gửi CV tới các giáo sư theo danh sách đã lọc. Nhưng cả tháng trời, Đức không nhận được phản hồi nào.

Lúc này, Đức nghĩ đến Mỹ. "Liệu các giáo sư ở Mỹ đánh giá thế nào về mình?", Đức tự đặt câu hỏi. "Đã mất công chuẩn bị hồ sơ, mình quyết định liều một phen".

Từ tháng 8/2023, Đức lại tìm hiểu và gửi hồ sơ đến một số trường và giáo sư ở Mỹ. Đức không hướng đến các trường có thứ hạng quá cao mà tập trung tìm hiểu về ngành và hướng nghiên cứu phù hợp.

Nộp CV, bài luận cá nhân, thư giới thiệu đến cả trường và gửi riêng các giáo sư, Đức nhận được phản hồi nhanh chóng và tích cực. Sau khi nhận được lịch phỏng vấn, Đức chuẩn bị slide giới thiệu bản thân, tóm tắt kết quả học tập, nghiên cứu đã đạt và định hướng trong thời gian tới để trình bày.

"Ở 1-2 cuộc trò chuyện đầu tiên với giáo sư, mình căng thẳng, nói không trơn tru nhưng các cuộc sau thì quen dần, trao đổi rất thoải mái", Đức kể.

Vẫn lo vốn tiếng Anh nên Đức nghĩ có thể chỉ trúng được một trường. Vì thế, kết quả bất ngờ với Đức và cả thầy cô đã hỗ trợ trong quá trình làm hồ sơ.

Đức nhận giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức nhận giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức cho rằng các giáo sư và đại học ở Mỹ tìm ứng viên phù hợp nhất thay vì có hồ sơ mạnh toàn diện nhất.

Do chi phí học và thi IELTS khá đắt, Đức chọn tự ôn và làm bài thi trực tuyến Duolingo English Test (DET) thay thế. Mức điểm cậu đạt được tương đương 6.5 IELTS, "vừa đủ" yêu cầu của các trường.

"Khả năng ngoại ngữ liên quan đến nghiên cứu và trao đổi công việc đã được chứng minh qua các công bố quốc tế hay khi phỏng vấn. Vì vậy, mình nghĩ chỉ đạt yêu cầu tối thiểu về chứng chỉ cũng không sao", Đức nhìn nhận.

Thay vì dành thời gian nâng điểm chứng chỉ, Đức tập trung nâng cao khả năng nghiên cứu. Tốt nghiệp đại học, Đức vẫn tham gia nghiên cứu ở lab của trường.

TS Dương Việt Dũng, trưởng lab FPCFD, người hướng dẫn Đức ba năm qua, đã viết thư giới thiệu cho học trò. Thầy Dũng nói đánh giá cao khả năng tự tìm tòi, học hỏi, thái độ nghiêm túc, trung thực của Đức khi làm nghiên cứu.

Giảng viên này ấn tượng với khả năng đọc, tổng hợp và phân tích dữ liệu để tìm ra các lỗ hổng, vấn đề trong các nghiên cứu đã có, từ đó đề xuất kế hoạch chi tiết để giải quyết. Vì thế, thầy tin tưởng Đức sẽ hoàn thành tốt chương trình tiến sĩ tại Mỹ.

Đức cho hay đã làm xong thị thực để lên đường sang Mỹ. Sau khi trao đổi kỹ về chương trình học với giáo sư, Đức đang tìm hiểu trước một số môn học, đồng thời tiếp tục cải thiện tiếng Anh trước khi nhập học vào tháng 8.

Theo Vnexpress