Băng rừng giúp học trò vùng sâu

(CTG) Một trưa cuối tháng 11-2023, có mặt tại bếp ăn bán trú, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, Krông Bông, Đắk Lắk) Mai Văn Thanh lui cui nhặt rau, xắt thịt rồi lại xào nấu trong khu bếp.

Học sinh bán trú với bữa cơm chiều do thầy cô hỗ trợ - Ảnh: TÂM AN

 Học sinh bán trú với bữa cơm chiều do thầy cô hỗ trợ - Ảnh: TÂM AN

Khu bếp rộn ràng tiếng nói của thầy cô. Mọi người xúm tay vào nấu bữa chiều để đãi các học trò vùng sâu bữa cơm có thịt - kế hoạch đã được triển khai từ đầu năm.

Học trò vùng sâu vượt đồi, vượt suối đi học

Thầy Thanh cho biết tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số ở trường hơn 70%, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều học trò ở sâu trong rừng, nhà ở xa, vượt hàng chục cây số về trọ học, bữa cơm chủ yếu là cơm trắng với măng rừng.

Phải vượt hơn 40km để đến trường nhưng đôi bạn Giàng Thị Máng (lớp 12A1) và Giàng Thị Hồng (lớp 11C5) đều ở xã Cư San, huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) vẫn quyết tâm đi tìm con chữ.

Mỗi lần đến trường, hai em vượt qua nhiều đồi núi, con suối và những đoạn đường lởm chởm đá, ổ voi, ổ gà. Em Giàng Thị Hồng cho biết nhà mình và Máng ở gần nhau, đều di cư từ phía Bắc vào, không có đất sản xuất nên chủ yếu đi rừng lấy măng và đi làm thuê.

"Em là chị cả, sau còn ba em nhỏ. Ở nhà, bữa ăn chủ yếu là cơm trắng với muối, rau rừng, lâu lâu mới có ít con cá suối do bố bắt, còn thịt thì rất hiếm.

Bố mẹ em thường nói nhà mình khổ thật, nhưng các con phải cố gắng đi học để mai sau có hiểu biết và có cuộc sống tốt hơn", Hồng tâm sự.

Trong khi đó em Vàng A Tú (lớp 11C7, trú thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm) ở gần trường hơn nhưng lại khó khăn gấp bội. Nhà có tám anh chị em, hai anh chị đã học xong hiện đi làm thuê để kiếm tiền học nghề và phụ gia đình.

"Gia đình em nghèo lắm. Bữa ăn ở nhà chủ yếu là một nồi cơm trắng với canh rau và muối, lâu lâu đi làm thuê có tiền mẹ mua cho ít cá khô. Được thầy cô nấu cơm cho ăn, có cá tươi, thịt kho ngon lắm", A Tú mừng rỡ.

Ông Vàng Seo Lồng (cha A Tú) tâm sự, cả hai vợ chồng đều không biết chữ lại đông con nên càng làm càng đói khổ. Ngoài làm nông, không biết làm gì thêm.

"Hằng ngày lo cái ăn, cái mặc cho con rất khó. Mong Nhà nước, các thầy cô giúp đỡ để các con được đến trường học chữ", ông Lồng mong mỏi.

Giáo viên mỗi người trích lương mua thực phẩm, để mỗi tuần ít nhất tự tay nấu cho học trò một bữa cơm đầy đủ thịt, cá, canh rau.
Thầy giáo MAI VĂN THANH
 

Nhiệm vụ đặc biệt 

Kể về việc hình thành những bữa cơm có thịt, thầy Thanh cho biết xuất phát từ việc thấy học trò ăn uống sơ sài vì gia cảnh quá khó khăn. Theo thầy, nơi ở để học tập đã có Nhà nước lo, nhưng hằng ngày các em vẫn phải tự lo liệu cuộc sống.

Mỗi tuần các em vẫn về nhà để lấy gạo, mắm muối, rau, măng, ít cá khô. Bữa ăn học trò tuyệt nhiên không có thịt, cá tươi. Đầu năm học này, "mệnh lệnh từ trái tim" mách bảo thầy Thanh và nhiều giáo viên trong trường phải làm gì đó để bữa ăn học trò thêm hương vị, có chất đạm hơn...

Thầy giáo trẻ Phan Văn Thuận - giáo viên bộ môn quốc phòng - cho rằng việc thầy cô tự nguyện trích lương, nấu bữa ăn có đủ dinh dưỡng cho học sinh là việc làm nhân văn.

"Vợ chồng tôi cùng dạy tại đây nên tự nguyện xung phong thực hiện việc đi chợ, nấu ăn. Các thầy cô ai cũng vui khi được đến phiên mình. Mong rằng các em sẽ biết trân quý tình cảm của thầy cô để ra sức học tốt, rèn luyện tốt. Em nào sau này thành đạt, có điều kiện có thể quay lại giúp đỡ các em khóa sau", thầy Thuận gửi gắm.

Nói thêm về những bữa cơm có thịt, thầy Nguyễn Quang Ngọc - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết số tiền để mua thực phẩm mỗi bữa cho học trò không nhiều, nhưng để duy trì "nhiệm vụ đặc biệt" phải xuất phát từ tình yêu học trò của thầy cô giáo. Đó phải là trách nhiệm, sứ mệnh của người thầy trong hành trình gieo chữ vinh quang của mình. 

"Hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh từng em học sinh. Chính vì vậy, cái gì có lợi cho học sinh đều được thực hiện từ mệnh lệnh của trái tim", ông Ngọc tâm sự.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập trường, thầy Mai Văn Thanh kể lúc đó cơ sở vật chất tạm bợ. Học trò ở xa đều mượn đất của người dân quanh trường, cha mẹ chở gỗ, tre lên làm lều cho các con trọ học, cuộc sống phải tự lo. Mới đây nhà trường lập khu bán trú, toàn bộ phòng ốc được cải tạo và sửa chữa thành khu nhà ở cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

"Biết gia đình các em còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, kinh phí nhà trường cũng hạn hẹp nhưng chúng tôi luôn luôn động viên học sinh, xem khu bán trú như ngôi nhà thứ hai của mình để trau dồi kiến thức, kỹ năng. 

Đây sẽ là nơi nuôi dưỡng những ước mơ tươi sáng cho học trò nghèo ở vùng căn cứ cách mạng này", thầy Thanh mong mỏi. 

Năm 2006, trước yêu cầu cấp thiết về chỗ học tập cho học sinh các xã vùng sâu của huyện Krông Bông, phân hiệu Cư Đrăm thuộc Trường THPT Krông Bông được thành lập. Điểm trường này cách trường chính đến hơn 40km.

Ngày đầu ở đây trường chỉ có một dãy nhà vừa dạy học, vừa là nơi ở tạm và làm việc của thầy cô. Học trò người Mông thì ở lán, trại do cha mẹ dựng lên xung quanh trường.

Đến năm 2010, điểm trường Cư Đrăm tách thành Trường THPT Trần Hưng Đạo và trường vận động học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh quần áo, sách vở và nhu yếu phẩm sinh hoạt.

Năm học 2023-2024, Trường Trần Hưng Đạo có hơn 800 học sinh, trong đó hơn 80% là con em người dân tộc thiểu số. Có 29 em học sinh người dân tộc Mông ở tại khu bán trú của trường.

Theo Tuổi Trẻ