Bị trục lợi trên Facebook nhưng không hề biết: Những mối nguy chực chờ...

(CTG) Thành viên tham gia vào các nhóm trên Facebook không những bị trục lợi mà còn dễ "ôm cục tức", đối diện với những rủi ro.

Bán mua tiền tỉ 

Vũ Minh Viên (32 tuổi), ngụ chung cư Belleza, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM, là quản trị viên của nhiều nhóm Facebook, trong đó có nhóm hơn 2,9 triệu thành viên. "Nếu ai đó cho rằng làm nghề xây dựng cộng đồng trên Facebook không phải vì tiền là nói dối. Mình tạo ra các nhóm cũng là để kiếm tiền. Nên khi nhận được đề nghị mua lại với giá phù hợp thì không thể từ chối", Viên cho biết.

Người viết thắc mắc: "Phải chăng người dùng Facebook khi tham gia vào các nhóm là đang bị trục lợi?", Viên trả lời: "Việc các thành viên gia nhập những cộng đồng trên Facebook là tự nguyện chứ quản trị viên không thể ép buộc. Nhưng đúng là các thành viên có thể bị lợi dụng".

Những mối nguy chực chờ...  - Ảnh 1.

Tham gia vào các nhóm tào lao dễ “ôm cục tức” - THANH NAM

Viên giải thích: "Có đến 99% nội dung các bài viết trên nhóm đều là của người dùng. Các thành viên gửi bài vào nhóm liên tục. Công việc của quản trị viên chỉ là kiểm duyệt đăng bài. Những bài đăng càng thú vị sẽ nhận nhiều tương tác, chia sẻ. Các thành viên cũng có thói quen mời bạn bè cùng tham gia, chính nhờ sự nhiệt tình này sẽ giúp nhóm phát triển mạnh".

Trần Anh Phú (32 tuổi), giám đốc một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến Facebook ở Q.4, TP.HCM, kể đã từng làm quản trị viên của hơn 70 nhóm trên Facebook. Mỗi nhóm có từ 400.000 - 3,7 triệu thành viên. Các nhóm có sự tăng trưởng tốt nên được nhiều lời ngỏ mua từ các doanh nghiệp với mức giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.

Viên cho biết tùy vào chất lượng của nhóm mà có những mức giá khác nhau, từ vài triệu cho đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng.

Huỳnh Phan Bảo (31 tuổi), ngụ tại Tô Ngọc Vân, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đồng sáng lập một nhóm dành cho người trẻ, cho biết: "Nhóm hiện có hơn 4 triệu thành viên. Những bài viết luôn nhận được tương tác cao. Một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản đã ngỏ lời muốn mua lại nhóm với giá hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên chúng mình còn lưỡng lự".

Người viết thử liên lạc với quản trị viên của 3 nhóm trên Facebook. Khi đặt vấn đề cần mua lại nhóm, được báo giá lần lượt là: 1,2 tỉ đồng (nhóm hơn 5 triệu thành viên), 900 triệu đồng (3,4 triệu thành viên), 520 triệu đồng (2,7 triệu thành viên).

Về nguồn thu từ quảng cáo, Bảo cho hay: "Hằng tháng, số tiền kiếm được những hợp đồng quảng cáo không dưới 150 triệu đồng. Mỗi bài đăng quảng cáo lên nhóm có giá từ 10 - 20 triệu đồng".

Nguy cơ bị lừa đảo vì lộ thông tin cá nhân

Theo luật sư Ngô Tú Ngân, Đoàn luật sư TP.HCM, khi nhóm Facebook bị bán có thể ảnh hưởng đến thành viên. Vì chủ sở hữu mới thay đổi mục đích, chủ đề, phạm vi ban đầu của nhóm dẫn đến nội dung không còn phù hợp với nhu cầu của thành viên.

Những mối nguy chực chờ...  - Ảnh 2.

Trên Facebook có không ít nhóm tào lao, vớ vẩn - THANH NAM

Bên cạnh đó, các thông tin cá nhân, tương tác, chia sẻ của thành viên sẽ được trao đổi, chuyển giao, mua bán, lưu trữ… mà người dùng không được thông báo. Như vậy, các thành viên không những bị trục lợi mà còn đối diện với những mối nguy chực chờ.

"Nhóm là nơi tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, quảng cáo, bán hàng… Khi nhóm bị "thay tên đổi chủ", các thông tin và hàng hóa sẽ không được kiểm duyệt về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Dẫn đến việc thành viên có thể phải "ôm cục tức" nếu mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng…", bà Ngân phân tích.

Cũng theo bà Ngân, hiện nay tồn tại một số nhóm yêu cầu thành viên điền thông tin vào link để nhận quà (ưu đãi về khóa học kỹ năng, được tải tài liệu, phần mềm… - PV). Khi đó, ban quản trị nhóm sẽ có được thông tin cá nhân của thành viên như: họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, ngày tháng năm sinh, email, số điện thoại, sở thích, xu hướng quan tâm…

"Những thông tin ấy có thể là bước đầu để kẻ xấu tiến hành các hình thức lừa đảo như: đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của người dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (mượn tiền, lừa đảo… - PV); đăng những nội dung không phù hợp lên trang Facebook cá nhân; đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền, tạo ra các khoản vay trực tuyến, dùng thông tin thẻ tín dụng…", bà Ngân nói thêm.