Biến đồ tái chế thành hàng xuất khẩu

(CTG) Những món đồ tưởng chừng vứt đi như gỗ vụn, chai nhựa, sắt thép... bỗng chốc được các bạn trẻ thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) 'hô biến', trở thành những món hàng lưu niệm hút khách và còn xuất khẩu.

Tọa lạc tại một góc nhỏ đường Phó Đức Chính (Nha Trang) xinh đẹp là cơ sở sản xuất những món đồ handmade cầu kỳ, đẹp mắt mang tên 7S Souvenir được các bạn sinh viên chế tác.

Gia công sản phẩm trước khi đưa ra thị trường - Ảnh: MINH CHIẾN

Thổi hồn vào phế liệu

Qua bàn tay khéo léo của họ, các nguyên liệu thô được tạo thành những món hàng lưu niệm đầy sống động mang nét đặc trưng của vùng biển. Từ những nàng tiên cá đến chiếc túi xách gỗ, những viên sỏi nghệ thuật, hay các loại sinh vật biển như cá ngựa, ốc... đều được làm thủ công từ phế liệu.

Hoàng Trung Hiếu, đại diện nhóm, cho biết đây là dự án tiếp nối từ ý tưởng sản xuất đồ handmade do một nghệ sĩ ấp ủ và thực hiện. Tuy nhiên, dự án đã dang dở vì gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ. Là một người có niềm đam mê với đồ handmade và vừa tốt nghiệp Trường ĐH Nha Trang, Hiếu đã đến cơ sở sản xuất và kết nối với những bạn trẻ khác có cùng chí hướng tiếp tục xây dựng thương hiệu đồ handmade Nha Trang.

Cầm trên tay một chú cá gỗ thành phẩm, Hiếu hào hứng giới thiệu: "Để tạo nên khuôn một con cá gỗ thì các bạn trong nhóm thu gom các loại phế liệu, sau đó gia công và tô lên những lớp sơn trang trí. Như mắt cá được làm bởi các nắp chai lấy từ hàng quán hay sắt thép được nhặt từ những công trình xây dựng. Ngoài ra nhóm còn tổ chức những buổi dọn dẹp vệ sinh môi trường, trong quá trình đó các loại phế liệu được thu về xử lý và làm nguyên liệu".

Khát vọng xuất khẩu

Giá sản phẩm tại đây dao động từ 20.000 - 400.000 đồng, một số sản phẩm được đặt hàng còn được bảo hành kỹ thuật, chi tiết gia công. Đặc biệt trên mỗi sản phẩm handmade của 7S Souvenir đều có dòng chữ "made in Viet Nam" với khát vọng tham gia quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài.

"Chúng tôi có quan niệm tạo ra một sản phẩm handmade cũng giống như tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, ngoài việc chọn nguyên liệu, tỉ mỉ chăm chút cho sản phẩm thì người làm còn phải có óc thẩm mỹ, tư duy sáng tạo và phải hiểu khách hàng thích gì, từ đó làm ra nhiều mẫu mã mới đa dạng, hấp dẫn" - Hiếu chia sẻ.

Nhóm đã tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ Câu lạc bộ Startup Khánh Hòa nhằm mở rộng kinh doanh và tìm hướng đi. Vận dụng kiến thức chuyên môn được học ở trường, các bạn đã tìm được cách xử lý các nguyên liệu để sản phẩm làm ra có tuổi thọ lâu hơn. Nhóm còn đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm như thành lập fanpage, website để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

 

Theo TTO