Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI: Sinh viên chung tay vun đắp lý tưởng, đạo đức

(CTG) Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, chiều nay 19/12, gần 700 đại biểu tham dự Đại hội đã tập trung về 10 trung tâm thảo luận để đề đạt ý kiến, chia sẻ nguyện vọng với Hội Sinh viên Việt Nam và 10 chủ đề trọng tâm của công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam.

Tại tổ thảo luận số 6 với chủ đề “Sinh viên vun đắp lý tưởng, đạo đức”, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào báo cáo chính trị của BCH Hội Sinh viên Việt Nam khoá X: Tập trung nghiên cứu, góp ý vào các nội dung cụ thể: Thảo luận về những nhận định, đánh giá kết quả triển khai 01 phong trào, 02 chương trình của Hội Sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023; thảo luận về khẩu hiệu hành động của Đại hội, hệ thống 11 chỉ tiêu của nhiệm kỳ mới; thảo luận về 03 đề án, các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong nhiệm kỳ 2023 - 2028; đề xuất, hiến kế các giải pháp mới, có tính đột phá, sáng tạo, phù hợp với thời kỳ mới để ứng dụng vào công tác Hội và phong trào sinh viên của nhiệm kỳ 2023 – 2028; báo cáo kiểm điểm BCH Hội Sinh viên Việt Nam khoá X.

Quang cảnh tổ thảo luận số 6.

Bên cạnh đó, đóng góp ý kiến vào các chuyên đề của Đại hội, cụ thể: phong trào “Sinh viên 5 tốt” giai đoạn 2018 – 2023; chuyên đề “Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh” giai đoạn 2018 - 2023: chuyên đề “Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên” giai đoạn 2018 - 2023: Tập trung thảo luận về các giải pháp đồng hành với sinh viên trong hỗ trợ khởi nghiệp, việc làm, đồng hành với sinh viên trong nâng cao kỹ năng chuyển đổi số; các giải pháp nâng cao đời sống tinh thần cho sinh viên…

Đồng thời các đại biểu cũng nghiên cứu, phân tích thêm về chủ đề của tổ thảo luận ngày hôm nay - “Sinh viên vun đắp lý tưởng, đạo đức”. Đề xuất các giải pháp của tổ chức Hội trong việc tham gia khắc phục sự biến đổi theo hướng tiêu cực của đạo đức, lối sống và lý tưởng của sinh viên hiện nay; đề xuất đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Hội, thông qua đó củng cố lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng lẽ sống cao đẹp cho thế hệ sinh viên ngày nay; những đề xuất, kiến nghị, mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo môi trường giúp sinh viên vun đắp lý tưởng, đạo đức.

Các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận số 6.

Theo đại biểu Trần Lê Ngọc Huyền, Sinh viên Đại học Cần Thơ cho biết, sinh viên là những người trẻ tuổi, có những đặc điểm tâm lý riêng mang tính đặc thù, thường có sự biến đổi nhanh chóng về tâm lý, thích sự công bằng, ưa cái mới, có khả năng suy luận, sáng tạo, phân tích, thích được khẳng định mình ... Tuy nhiên, do sự biến đổi nhanh về tâm lý nên sinh viên rất nhạy cảm, dễ bị tác động trước những sự thay đổi và có thể trở nên phiêu lưu, quá khích nếu không được định hướng một cách đúng đắn, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về tư tưởng chính trị, chưa nhận rõ về tình hình nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, thiếu ý chí phấn đấu, sống thực dụng, vị kỷ, coi thường các giá trị nhân văn, kỷ cương đạo lý, ngại tham gia các hoạt động xã hội, ít hiểu biết pháp luật, thiếu tính tự giác, thiếu ý thức khắc phục khó khăn, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của đời sống vật chất … dẫn đến lười biếng, buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến những quan niệm đạo đức, lối sống, lý tưởng sống của một bộ phận sinh viên. “Chính vì thế công tác giáo dục lý tưởng sống cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết để sinh viên hình thành được thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, hình thành những phẩm chất cao đẹp, trở thành những con người ưu tú có lý tưởng, có đạo đức, có kỷ luật, có văn hoá đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay”, bạn Huyền nói.

Bên cạnh đó Ngọc Huyền cho rằng sự chuyển biến về lý tưởng đạo đức của các bạn sinh viên ngày nay là rất tốt. Tuy nhiên sự tiếp cận các nền văn hoá, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa đúng… chính vì vậy tổ chức Hội cần phải có những giải pháp, những kênh thông tin chính thống. “Cùng với đó, tổ chức các chương trình văn hoá thể thao, nghệ thuật, các cuộc thi để thu hút, thúc đẩy sự sáng tạo của các bạn sinh viên. Giúp các bạn có sân chơi bổ ích ngoài giờ học trên giảng đường”, Ngọc Huyền chia sẻ.

Còn với đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên 5 Tốt Tây Nguyên cho biết trong thời gian quan bạn đã được tham gia các cuộc thi do Đoàn, Hội tổ chức như: Ánh Sáng Soi Đường; Olympic các môn khoa học… Từ cuộc thi, bạn đã được trải nghiệm để hiểu và trưởng thành hơn từ đó mạnh dạn hơn trong cuộc sống.

Ban Thu Hà đề xuất, các cấp bộ Hội cần tập trung tuyên truyền, vun đắp lý tưởng đạo đức, lối sống cho sinh viên dân tộc thiểu số, tôn giáo. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn chương trình đồng hành với các bạn thanh niên dân tộc thiểu số giúp các bạn tự tin hơn trong tham gia các hoạt động…; tổ chức Đoàn Hội cần tạo ra mạng lưới thanh niên dân tộc thiểu số, cuộc thi sân chơi phát huy những tinh hoa văn hoá dân tộc.

Ngày mai 20/12/2023, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ bế mạc.

CTG