Đường trở thành bác sĩ nội trú ở Nhật của chàng trai Bắc Ninh

(CTG) Đến Nhật với vốn ngoại ngữ chưa có gì, 6 năm sau, Đình Nam tốt nghiệp đại học y, thi đỗ chứng chỉ hành nghề với điểm thuộc top 10%.

Nguyễn Đình Nam, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành Y khoa, Đại học Quốc tế Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (IUHW) và đỗ kỳ thi chứng chỉ hành nghề bác sĩ ở Nhật, vào tháng 3. Anh hiện là bác sĩ nội trú của Bệnh viện IUHW Narita, thành phố Chiba.

"6 năm trôi qua thật nhanh nhưng cuối cùng, tôi cũng đạt được thành quả sau quá trình dài", anh Nam chia sẻ.

Nam chụp ảnh cùng giáo sư Akatsu trong ngày tốt nghiệp đại học hôm 9/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nam chụp ảnh cùng giáo sư Akatsu trong ngày tốt nghiệp đại học, hôm 9/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2017, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội, Nam giành học bổng toàn phần liên kết với IUHW. Tháng 10 năm đó, anh đến Nhật, bắt đầu cuộc sống du học.

Khó khăn lớn nhất của cựu học sinh chuyên Sinh, trường THPT chuyên Bắc Ninh, là rào cản ngôn ngữ.

Trước khi vào học chính thức, du học sinh có 4 tháng học tiếng Nhật tại trường. Hôm đầu đến lớp, Nam không hiểu thầy giáo nói gì, trong khi một số bạn đã học trước nên bắt kịp bài học.

"Tối nào tôi cũng lo lắng", Nam kể.

Trong lúc làm quen với tiếng Nhật, anh cũng phải tự học tiếng Anh để giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Nhìn các bạn xung quanh nói chuyện trôi chảy, thậm chí biết 4-5 thứ tiếng, Nam thấy mình tụt hậu.

Theo anh Nam, học tiếng cần thời gian và chưa thấy kết quả ngay. Mấy tuần đầu học không vào, anh đâm ra hoài nghi về con đường đã chọn. "Tôi đã muốn bỏ cuộc", Nam nhớ lại.

Tuy nhiên, sống giữa cộng đồng sinh viên quốc tế, anh tự nhủ người Việt Nam không thể bỏ cuộc. Hơn nữa, Nam từng phải thuyết phục để gia đình đồng ý cho du học. Nếu bỏ về lúc này, Nam sẽ khiến mọi người buồn. Nam vì thế thêm động lực để học ngôn ngữ.

Nam tải tài liệu dạy tiếng Nhật bằng tiếng Việt trên mạng xuống để học. Mỗi tối, anh dành 3-4 tiếng học đọc, viết, nghe các chương trình bằng tiếng Nhật. Nam còn tham gia câu lạc bộ bóng bàn, hội sinh viên trường và tận dụng các dịp để bắt chuyện với sinh viên Nhật.

Ngoài ra, Nam học thêm tiếng Anh ở bên ngoài. Nhờ sống trong ký túc xá cùng sinh viên quốc tế, tiếng Anh của Nam được cải thiện sau 5-6 tháng, nhanh hơn so với tiếng Nhật.

Chương trình của IUHW gồm hai năm đầu cơ bản dạy bằng tiếng Anh, những năm còn lại học và thực tập bằng tiếng Nhật. Khi bước vào học chuyên ngành, dù đã có thể giao tiếp suôn sẻ, Nam chỉ có thể hiểu được khoảng 30-40% nội dung các bài giảng. Anh phải đọc thêm tài liệu, slide bài giảng để nắm bắt bài học, đuổi kịp tốc độ của thầy.

Anh cho hay muốn đi thực tập vào năm 4, 5, sinh viên buộc phải đỗ hai bài thi lý thuyết và kỹ năng lâm sàng ở năm thứ ba. Trong bài thi kỹ năng lâm sàng, sinh viên được đánh giá về kỹ năng hỏi bệnh, khám và làm các thủ thuật y khoa.

Nam luyện các kỹ thuật phẫu thuật ở viện khi năm thứ 4 đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nam luyện các kỹ thuật phẫu thuật khi đi thực tập ở viện vào năm thứ 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước vào năm thứ 6, anh phải trải qua một số kỳ thi, gồm thi lấy chứng chỉ hành nghề. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, anh đã ôn thi từ năm thứ tư, bằng cách học nhóm, luyện đề, học thông qua các đợt thực tập lâm sàng ở bệnh viện.

"Kỳ thi do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổ chức, quan trọng bậc nhất với sinh viên Y. Nếu đỗ, bạn được coi là bác sĩ và bắt đầu thực hành lâm sàng", anh Nam giải thích.

Nam trải qua hai ngày thi với 6 phần. Theo anh, bài thi thách thức vì gồm kiến thức tổng quát về ngành, từ hệ tuần hoàn, hô hấp, thần kinh đến y tế công cộng, pháp y... Câu hỏi được chia thành hai dạng: lý thuyết cơ bản và tình huống lâm sàng. Thông qua các triệu chứng và chỉ số cụ thể, ứng viên cần chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị, rồi điền đáp án theo hình thức trắc nghiệm.

Theo thống kê, năm nay có hơn 10.000 người tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề. Nam đạt điểm cao hơn 91,7% thí sinh, tức thuộc top 10% người thi có điểm cao nhất.

Giáo sư Haruko Akatsu, Phó hiệu trưởng IUHW, cho hay việc Nam vượt qua kỳ thi với điểm số cao giống như "giành huy chương tại Thế vận hội". Theo bà, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất với sinh viên nước ngoài muốn có giấy phép này ở Nhật. Người tham gia không chỉ cần có kiến thức y khoa vững chắc mà còn phải có trình độ tiếng Nhật cao để hiểu và trả lời các câu hỏi chính xác.

"Cậu ấy là một tài năng", bà nói, cho biết từng dạy Nam các môn Giao tiếp y học, kỹ năng lâm sàng, Y đức, tiếng Anh Y học và Nội tiết.

Ngoài học thuật, bà Akatsu còn ấn tượng với học trò người Việt ở các hoạt động ngoại khóa. Nam từng là chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, tổ chức nhiều hoạt động ở trường và phiên dịch cho các đoàn công tác của Việt Nam ở Nhật.

Sau khi trải qua vòng hồ sơ và phỏng vấn, Nam được nhận làm bác sĩ nội trú ở khoa Ung bướu, Bệnh viện IUHW Narita. Anh dự kiến hai năm nữa sẽ về Việt Nam để thi lấy chứng chỉ hành nghề và học chuyên sâu lên cao.

"Nếu xác định theo ngành y thì cần đam mê và kiên trì. Hãy nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân và đừng từ bỏ", anh đúc kết.

Theo Vnexpress