Góc nhìn giáo dục: Đổi mới phương pháp giáo dục học sinh từ bảo tàng

(CTG) Một trong những cường quốc về bảo tàng trên thế giới không thể không nhắc đến là nước Pháp.

Bởi quốc gia này không chỉ có số lượng bảo tàng thuộc hàng tốp đầu thế giới với gần 540 bảo tàng, mà quan trọng hơn họ có cách nuôi dưỡng, làm giàu văn hóa từ bảo tàng rất đáng để tham khảo, học tập kinh nghiệm, nhất là phương pháp giáo dục học sinh thông qua hệ thống bảo tàng.

Người Pháp vốn coi trọng văn hóa, nghệ thuật (VHNT), vì thế, họ luôn tìm cách “truyền lửa” cho các thế hệ yêu những giá trị văn hóa được trưng bày, chuyển tải qua các hiện vật, tư liệu lịch sử và tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Trong chương trình giáo dục quốc gia của Pháp, trẻ em từ 6 tuổi (có nơi từ 3 tuổi) quy định trong một năm học phải đi tham quan bảo tàng. Trẻ em không chỉ được tham quan, học tập trong bảo tàng với thời lượng ít nhất 2 giờ mà còn tham gia làm bài tập theo cá nhân hoặc nhóm sau khi trải nghiệm ở bảo tàng.

<a title=" width="600" />
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Nước Pháp cũng triển khai chương trình giáo dục VHNT, trong đó có mục tiêu bảo đảm tất cả học sinh được tham quan, trải nghiệm tại các bảo tàng về VHNT. Các bảo tàng này đã tận dụng tối đa ưu thế của cuộc cách mạng “4.0” để đẩy mạnh quảng bá, tăng cường tương tác và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động VHNT, giải trí. Nghĩa là họ kết hợp giữa những giá trị truyền thống của bảo tàng và các hình thức nghệ thuật, giải trí đương đại để thu hút và phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách tham quan nói chung, học sinh nói riêng.

Nằm trong xu thế đổi mới giáo dục, mấy năm gần đây, nhiều trường phổ thông ở nước ta cũng triển khai những chương trình tham quan, trải nghiệm cho học sinh tại các bảo tàng. Ngoại trừ ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... có nhiều loại hình bảo tàng VHNT, còn lại các tỉnh chủ yếu có bảo tàng tổng hợp với nội dung trọng tâm là trưng bày, quảng bá lịch sử, truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, đa số cuộc tham quan bảo tàng của các nhà trường và học sinh thời gian qua vẫn chạy theo phong trào là chính, đến cho biết, đi cho vui, coi bảo tàng như cuộc dạo chơi “cưỡi ngựa xem hoa” nhất thời.

Trong khi đó, nhiều bảo tàng cũng chưa tìm cách đổi mới cách thức trưng bày, chuyển tải thông điệp từ những hiện vật, tư liệu và thiếu các hình thức hoạt động bên lề để thu hút, hấp dẫn học sinh đến trải nghiệm tại bảo tàng. Chỉ có một số bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... có sức hút khá lớn với du khách và học sinh nhờ đổi mới cách làm, còn phần đông các bảo tàng vẫn đìu hiu vắng khách. Do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan đó khiến cho việc giáo dục học sinh thông qua tham quan tại bảo tàng chưa đạt kết quả tích cực.

Cả nước hiện có có 188 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, tư liệu, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, dân tộc học... Số lượng di sản vô giá đó có được “đánh thức”, phát huy giá trị và chuyển tải những thông điệp nhân văn vào học sinh hay không, đòi hỏi không chỉ ngành văn hóa mà bản thân ngành giáo dục và các cơ quan hữu quan, các địa phương cũng phải vào cuộc với trách nhiệm chính trị cao nhất.

Trước mắt, ngành giáo dục cần coi việc giáo dục lịch sử, truyền thống tại bảo tàng đối với học sinh là một trong những quy định bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ có như vậy, việc giáo dục học sinh thông qua bảo tàng mới hy vọng đạt mục tiêu khả quan hơn.

Theo qdnd