'Huyền thoại hóa' trường chuyên

(CTG) Tôi còn nhớ nét mặt buồn bã và thất thần của mẹ khi thông báo với cả nhà rằng năm nay là năm đầu tiên trường chuyên Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng) sẽ không tuyển sinh hệ cấp 2 theo chỉ đạo của thành phố.

Tôi, khi ấy học lớp bốn, cố kìm nỗi mừng vui ra mặt vì sẽ không phải ôn thi tiếp với những bài toán khó đến quái lạ.

Tháng 3/2024, lại có nhiều bà mẹ thất thần khi Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu dừng tuyển sinh hệ không chuyên (cấp THCS) nằm trong hai trường chuyên hàng đầu cả nước: Hà Nội-Amsterdam và Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Yêu cầu dừng này là đương nhiên bởi Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 05/2023 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT.

Hai trường trên là những tàn tích cuối cùng của lịch sử chính sách dừng xây dựng hệ chuyên tại cấp 2 suốt từ những năm đầu 2000.

Vậy tại sao về mặt chính sách, nên dừng tuyệt đối hệ chuyên ở cấp THCS (cả ở dạng thức nhập nhằng như "hệ không chuyên trong trường chuyên")?

Về mặt lịch sử, hệ thống trường chuyên được Nhà nước xây dựng và đầu tư trọng điểm vào một nhóm đặc tuyển (có năng khiếu) với nhiệm vụ đảm bảo hình thành đội ngũ chuyên gia có khả năng phát triển đất nước trong hoàn cảnh nhiều thách thức về kinh tế - chính trị (chiến tranh, cấm vận...).

Đến đầu những năm 2000, điều kiện vật chất của toàn quốc đi lên, việc dồn nguồn lực công cho thiểu số không còn thiết yếu nữa, mà vấn đề là phải đảm bảo công bằng xã hội cho giáo dục. Hệ THPT chuyên còn tồn tại là dành cho các học sinh muốn phát triển đặc biệt chuyên sâu vào một (vài) môn học nhất định. Lí do này không thích ứng với học sinh cấp 1, 2 bởi ở độ tuổi đó, khó lòng xác định được nhu cầu phát triển chuyên sâu của trẻ. Bởi vậy Luật Giáo dục 2005 đã dừng hệ chuyên ở cấp 2.

Đến nay, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội giải trình việc cố duy trì hệ cấp 2 trong lòng trường chuyên là bởi hệ này có chất lượng đào tạo tốt, tạo nguồn học sinh giỏi cho các trường THPT chuyên.

Lập luận này làm tôi liên tưởng đến một hiện tượng thống kê nổi tiếng: thiên lệch sống sót. Trong cuộc chiến với Đức Quốc xã, rất nhiều máy bay của Mỹ trở về với chi chít vết bắn trên thân. Họ bắt đầu thống kê lại các vị trí thường bị đạn bắn trên thân các máy bay sống sót trở về được căn cứ (điểm chấm thể hiện vị trí của đạn bắn). Việc cần làm là gia cố lại những chỗ hay bị đạn bắn, phải không?

Nhưng Abraham Wald, chuyên gia thống kê, phản đối điều này. Cái cần gia cố là những chỗ không bị đạn bắn, vì nhờ những chỗ đó mà máy baysống sót được mà trở về. Cái mà các kỹ sư đã lãng quên là rất nhiều máy bay đã tan nát, không thể trở về vì bị bắn trúng chỗ hiểm.

Hình minh họa dẫn theo Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu, tác giả Hoàng Hữu Đà, NXB Trẻ.

Hình minh họa dẫn theo "Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu", tác giả Hoàng Hữu Đà, NXB Trẻ.

Trong cuộc sống, chúng ta thường coi trọng cái dễ nhìn thấy. Trong lập luận của Sở, tương tự chuyện chỉ nhìn thấy chỗ đạn bắn, con số thống kê nhiều học sinh "chuyên" từ cấp 2 thi đỗ vào chuyên cấp 3 là thứ dễ nhìn thấy hơn do hai yếu tố: đây là điểm mạnh mang tính tất yếu của trường chuyên, và tỷ lệ đỗ chuyên của học sinh các trường còn lại thường ít được thống kê đầy đủ.

Và vì như vậy, thứ cần được "gia cố" lại đáng lẽ nên là tỷ lệ đỗ chuyên ở các trường bình thường, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục chung.

Dừng tuyệt đối hệ chuyên ở cấp THCS cũng sẽ góp phần giải quyết mâu thuẫn tiềm tàng về bất bình đẳng ngân sách công được chi cho một nhóm thiểu số. Học sinh có nguyện vọng luyện thi chuyên cấp 3 hoàn toàn có thể sử dụng năng lực và tài chính cá nhân để đua tranh; đâu cần tới tổ chức công - vốn được lập ra để đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.

Nhưng nghĩ rộng ra hơn, việc đỗ cấp 3 chuyên liệu có đáng là một chỉ dấu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng giáo dục không, khi mà Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học thay vì nội dung môn học (như các đề thi vào trường chuyên đang thể hiện).

Tôi nghĩ nên từ bỏ quan niệm "huyền thoại" rằng đỗ cấp 3 chuyên là chỉ dấu bậc cao của chất lượng giáo dục. Khác với những năm đầu 2000 của tôi, xã hội không có nhiều thang đo để đánh giá giáo dục thì đỗ trường chuyên - nơi Nhà nước lập ra để đầu tư trọng điểm vào một nhóm nhỏ có năng lực vượt trội - là thước đo tối ưu mà cả xã hội nhắm đến.

Giờ là giáo dục toàn cầu với các kỹ năng của thế kỷ 21 và đòi hỏi gay gắt từ Cách mạng công nghiệp, xã hội còn nhiều thước đo khác. Các chương trình kiểm tra tiêu chuẩn quốc tế, các cuộc thi giải quyết vấn đề thực tiễn, chương trình học vượt môn Đại học từ cấp 3 (như A Level), sự kiện nghệ thuật chuyên nghiệp cho học sinh cấp 3... là những tiêu chuẩn mới cần được giới thiệu và dần hướng đến đại chúng hóa.

Tuyệt đối hóa và loay hoay tranh cãi về vai trò trường chuyên tức là chưa sẵn sàng cho một thời đại giáo dục mới.

Theo Vnexpress