Kết nối nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm

(CTG)Hội thảo khoa học "Công nghệ canh tác thông minh phục vụ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp" năm 2023 là cơ hội kết nối đoàn viên, thanh niên với nhà đầu tư để tạo ra sản phẩm mới, tiến đến thương mại hóa.

Doanh nghiệp "truyền lửa" cho người trẻ khởi nghiệp 

Chiều 14.9, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học "Công nghệ canh tác thông minh phục vụ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp" năm 2023, với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng. 

Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp đã "truyền lửa" cho thanh niên bằng những câu chuyện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời, giới thiệu một số giải pháp công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, cơ sở sản xuất… để tạo nên thương hiệu nổi tiếng. Tất cả nhằm khuyến khích người trẻ phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

Người trẻ muốn kết nối nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp - Ảnh 1.Hội thảo nhằm kết nối thanh niên và doanh nghiệp - HUY ĐẠT 
Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Bá Duân, Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết hội thảo là dịp để thanh niên tiếp tục nâng cao kiến thức về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thành đoàn Đà Nẵng sẽ là cầu nối liên kết giữa thanh niên với nhà đầu tư nhằm phát triển dự án khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm.
Người trẻ muốn kết nối nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp - Ảnh 2.Đại diện doanh nghiệp "truyền lửa" cho thanh niên khởi nghiệp - HUY ĐẠT 

Sinh viên muốn biến ý tưởng thành hiện thực

Đáng chú ý, tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà ươm tạo và đoàn viên, thanh niên đã cùng chia sẻ, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn để tìm giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ canh tác thông minh. Qua đó, phát huy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; tạo môi trường thân thiện và hỗ trợ, giúp các nhà đổi mới sáng tạo có thể hoạt động một cách hiệu quả, tạo ra giá trị đối với xã hội.

Người trẻ muốn kết nối nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp - Ảnh 3.Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) giới thiệu sản phẩm ứng dụng bảo vệ sức khỏe - HUY ĐẠT

Nêu ý kiến tại hội thảo, Hà Thị Diệu Hiền, sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho biết những năm qua sinh viên được nhiều đơn vị hỗ trợ để trải nghiệm, thông qua các cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề nông nghiệp, các buổi tư vấn nâng cao kiến thức, kỹ năng... Hội Nông dân Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và sinh viên khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng cần thiết từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Các ngân hàng, nhà đầu tư cũng tài trợ, giúp sinh viên có vốn khởi nghiệp... Tuy nhiên, sinh viên cũng gặp không ít khó khăn trong việc hình thành ý tưởng và biến ý tưởng thành hiện thực.

"Sinh viên có nguồn kiến thức dồi dào, nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Do đó, họ thường gặp không ít khó khăn trong tư duy định hướng hình thành sản phẩm", Diệu Hiền nói.