Khôn, dại với AI

(CTG) Con trai út của tôi vừa kết thúc một tuần học tại Tây Ban Nha, theo chương trình trao đổi văn hóa Erasmus của học sinh các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu.

Vốn là fan của Real Madrid, Tây Ban Nha là quốc gia cu cậu đặc biệt khát khao ghé thăm từ khi còn bé xíu, và chuyến đi trở thành một ấn tượng không thể tốt đẹp hơn với cậu. Được tham quan các tòa lâu đài cổ, được chơi trò bắn súng sơn trong rừng, được khám phá xưởng sản xuất động cơ xe hơi lâu đời... cậu chỉ tiếc nuối chưa có trận đá bóng đường phố với bạn bè.

Mẹ cháu, như thường lệ, càu nhàu "sao chẳng thấy con học gì cả?". Còn tôi, cũng như thường lệ, lại ước giá con tôi được chơi nhiều hơn nữa. Đây là cơ hội tuyệt vời để cu cậu mở rộng tầm mắt, thấy nhiều điều khác biệt so với những quốc gia cậu từng đi qua, để hiểu hơn về thế giới vốn rất đa dạng so với không gian trong bốn bức tường lớp học.

Điều này càng quan trọng hơn, khi thế hệ con tôi dù muốn, dù không trong tương lai rất gần cũng sẽ phải học sống trong một thế giới mới, một xã hội mới cùng AI.

Đã có nhiều tranh luận xung quanh tác động của AI trong tương lai gần, về những mặt hữu ích cũng như tiêu cực của nó với cuộc sống và nghề nghiệp. Là người cha, điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất, là làm thế nào định hướng cho con cách thích ứng, tồn tại, và phát triển cùng AI, trong cả hai kịch bản: một chuyên gia trong ngành, hay một người ngoài ngành nhưng biết tận dụng sức mạnh của AI trong cuộc sống.

Tôi muốn so sánh sự ra đời của AI với việc loài người sáng tạo ra chữ viết. Từ hơn 5.000 năm trước, những nét chữ tượng hình đã được lưu lại trên vách đá xứ sở Ai Cập rồi thực sự bùng phát mạnh mẽ vào những năm 1500. Những năm 1700, với sự bổ sung chữ cái J và W bảng chữ cái Latin đã hoàn thiện, và được sử dụng cho đến ngày nay. Sự tác động mạnh mẽ nhất xảy ra vào năm 1620, khi Francis Bacon người Đức phát minh ra phương pháp in công nghiệp với 200 cuốn kinh thánh đầu tiên, tạo nền móng cho nền công nghiệp in sau này.

Từ xã hội kém văn minh, nơi mọi kiến thức được truyền khẩu, chữ viết và công nghệ in đã mang lại sự đột phá trong quá trình văn minh hóa tại châu Âu. Nó mang lại công cụ để ghi dấu kiến thức xã hội, tạo ra sự truyền bá văn hóa mạnh mẽ tới giới bình dân, phá bỏ giới hạn địa lý, và có thể truyền đời giữa các thế hệ.

Dù mang lại những mặt tích cực như vậy, công nghệ in khi đó cũng đã gây ra nỗi sợ hãi, và bị giới quý tộc châu Âu quy thành thủ phạm phá vỡ trật tự xã hội. Những cuộc nổi dậy của giới nông nô Đức và cuộc chiến tranh tôn giáo tại Pháp những năm 1600 bị quy kết là hậu quả của việc tầng lớp bình dân đã được tiếp cận luồng thông tin đến từ những bản in phát hành rộng rãi.

Trải qua hơn 400 năm, đến nay hệ chữ Latin vẫn dừng lại 10 chữ số và 26 chữ cái, nhưng tầng lớp tinh hoa đã tạo ra bao nhiêu tác phẩm văn học, bao nhiêu công trình khoa học, là nền tảng chuyển tải kiến thức xuyên quốc gia giữa bao nhiêu thế hệ. Theo chiều ngược lại, với nhiều người khác, chữ cái và con số vẫn chỉ dùng để đọc giá trị đồng tiền trong giao dịch hằng ngày. Sự đối lập đó phụ thuộc vào trình độ, vào kỹ năng sử dụng của mỗi người với những công cụ sẵn có.

Điều đó cũng sẽ xảy ra trong tương lai gần, khi AI trở thành công cụ tiếp theo tác động tới cuộc sống chúng ta, đặc biệt thế hệ trẻ. AI có thể trở thành kẻ thống trị, hay chỉ là một công cụ hữu ích, phụ thuộc vào kỹ năng và thái độ của mỗi người. Tôi tin rằng, kỹ năng đặt câu hỏi và tư duy phản biện sẽ là nền tảng để mỗi cá nhân vững tâm đồng hành cùng AI. Và đây cũng là điều tôi khuyến khích các con theo đuổi, thay vì mài đũng quần kiếm điểm cao trong lớp học.

Khi đang viết bài này, tôi được tham gia một webinar với bạn bè của con trai tôi - những du học sinh THPT ở Phần Lan. Trả lời câu hỏi của tôi về sự khác biệt giữa cách học trong nước và Phần Lan, Doãn Đinh - học sinh lớp 10 trường Kurikka - lấy ví dụ "học lịch sử, tụi con chỉ được thầy giao trình chiếu 3 slide, mỗi slide không quá 5 gạch đầu dòng. Con sẽ phải đọc cả một cuốn sách để tự tổng hợp thông tin và tìm ra câu trả lời". Thy Nguyễn - học sinh lớp 12 tại trường Mantta nói: "Thầy của con luôn mở đầu bằng lời khuyên: sẽ không có câu trả lời nào tuyệt đối đúng, tuyệt đối sai. Hãy tự tìm câu trả lời của các bạn".

Từng trải qua quãng thời gian dài làm việc và đào tạo với văn hóa Âu Mỹ, tôi không ngạc nhiên với những cách học này của các con, nơi mỗi cá nhân là duy nhất, và được khuyến khích có tư duy, bản sắc cá nhân riêng biệt. Tôi tin rằng, cách khuyến khích mỗi người tự học, tự đặt câu hỏi để thỏa trí tò mò, và biết suy nghĩ phản biện sẽ là những kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất để không trở thành kẻ bị dắt mũi trong biển kiến thức khổng lồ đầy rẫy thông tin sai trái và định kiến mà AI mang lại. Điều này khác lắm so với những bài văn mẫu, những cảm xúc bị đóng khung trong khuôn mẫu định sẵn. Nó cũng rất khác cách đào tạo thợ giải toán, trong chớp mắt có thể tìm đáp án với các dạng toán quen thuộc, mà chưa bao giờ tự đặt câu hỏi "bài toán này sẽ áp dụng như thế nào trong cuộc sống".

Dù ít khi cãi vợ, tôi vẫn kiên quyết bảo vệ con trai tôi có một tuần thỏa sức khám phá Tây Ban Nha. Chỉ tiếc rằng, khi cháu ngạc nhiên với lịch sinh hoạt của người dân bản xứ, ăn trưa lúc ba giờ chiều, và ăn tối lúc 10 giờ đêm, tôi chưa kịp hỏi "con biết tại sao không?".

Nhưng khi con biết ngạc nhiên, biết đặt câu hỏi, con sẽ tự loay hoay đi tìm câu trả lời để thỏa mãn trí tò mò của mình. Và đó mới là điều quan trọng.

Theo Vnexpress