Không nhìn mặt nhau chỉ vì... góp ý sai cách

(CTG) “Bạn cùng phòng hay làm ồn, ở bẩn thì phải nhắc nhở sao cho khéo? Làm việc nhóm nhưng có người vô trách nhiệm thì phải làm sao?”… Đó là một trong số hàng loạt câu hỏi về các vấn đề từ cuộc sống của người trẻ. Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không biết cách góp ý sao cho khéo léo sẽ rất dễ làm người khác khó chịu và dẫn đến xung đột, cãi vã.

Không biết góp ý nên đăng bài lên mạng xã hội… cầu cứu

Sống trong môi trường tập thể hơn 1 tháng nay, Phan Thị Yến Nhi, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có nhiều vấn đề với bạn cùng phòng nhưng không biết phải nhắc nhở thế nào. Cuối cùng, cô đành bất lực đăng bài… cầu cứu trên trang confession của ký túc xá. 

Không nhìn mặt nhau chỉ vì... góp ý sai cách - Ảnh 1.

Góp ý khéo léo là một trong những kỹ năng cần có của người trẻ khi sống và làm việc trong môi trường tập thể

Nhi kể: "Mình ở phòng 6 người, vì sống tập thể nên ai cũng biết ý giữ không gian chung. Thế nhưng có 1 bạn thường xuyên đi vệ sinh xong không tắt đèn, hộp cơm ăn hết cũng để qua ngày hôm sau mới vứt khiến kiến bò lên khắp bàn. Chưa kể còn tùy tiện sử dụng đồ của người khác. Mặc dù rất khó chịu nhưng mình không biết phải góp ý như thế nào vì sợ xích mích rồi không nhìn mặt nhau".‏

‏Nhi cho biết thêm nhằm tránh chuyện cãi vã không đáng có nên đã đăng bài trên trang confession của ký túc xá dưới chế độ ẩn danh để xin bí quyết góp ý sao cho nhẹ nhàng. "Tính mình rất thoải mái, không muốn đụng chạm đến ai nên ngại góp ý. Đa số mọi người bình luận dưới bài viết đều khuyên nên nói thẳng với bạn ấy nhưng mình vẫn chưa làm", Nhi chia sẻ.

Không nhìn mặt nhau chỉ vì... góp ý sai cách - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ không dám góp ý vì sợ mích lòng nhau

 

‏Còn Nguyễn Quang Phát, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phải chịu đựng sự ở bẩn, vô ý thức của bạn cùng phòng và khi góp ý thì xảy ra cãi vã. "Bạn cùng phòng của mình có rất nhiều tật xấu như: 12 giờ còn chơi game lớn tiếng, bật đèn sáng cả phòng; bàn của chung nhưng bạn ăn uống bày bừa, vỏ bánh kẹo, mì gói cũng không vứt. Mình không biết phải nhắc nhở như thế nào nên nói thẳng mặt và đã xảy ra cãi vã. Đến giờ, sau 2 tuần không ai nhìn mặt nhau", Phát kể lại. ‏

‏Lời góp ý khéo léo thật sự rất quan trọng vì nếu không sẽ dễ dẫn đến xung đột, phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp. Lê Thị Tuyết Trinh (24 tuổi), ở trọ trên đường Nguyễn Văn Khối, P.11, Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ: "Lúc còn là sinh viên hay bây giờ khi đi làm mình vẫn phải tuân thủ nội qui của nhóm. Cho nên việc góp ý rồi dẫn đến tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Vào năm 3 đại học, nhóm của mình cũng ngồi lại để góp ý nhưng dần mọi người lớn tiếng hơn và cãi nhau. Cuối cùng có 2 bạn rời nhóm, dù đã chơi chung 3 năm nhưng không thể tiếp tục nhìn mặt nhau. Do đó nhiều khi thấy không vừa lòng nhưng mình cũng im lặng cho qua chứ không dám góp ý vì sợ mích lòng".‏

Góp ý thế nào để vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp?

‏Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Tùy vào mức độ quan trọng của vấn đề, mong muốn của bản thân và đối phương mà quyết định im lặng hay góp ý. Nếu đang nóng giận hãy im lặng để tránh nói ra những lời khó nghe, lúc bình tĩnh hơn thì có thể góp ý, trao đổi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải lúc nào góp ý cũng tốt vì đôi khi im lặng là vàng".

Không nhìn mặt nhau chỉ vì... góp ý sai cách - Ảnh 3.

Góp ý mang tính xây dựng là một kỹ năng cần học hỏi

‏Nói về mục đích của việc góp ý với nhau, thạc sĩ Mãi chia sẻ: "Những góp ý mang tính xây dựng sẽ tạo nên tình bạn đẹp, đồng nghiệp tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó còn giúp tập thể gắn kết, nâng cao hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống. Còn những lời góp ý mang tính chỉ trích, phê phán sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực, khiến không khí trở nên căng thẳng. Hơn nữa, có thể tạo ra những tranh cãi hay xung đột trong mối quan hệ".

‏Vì vậy, theo thạc sĩ Mãi, góp ý mang tính xây dựng là một kỹ năng cần học hỏi, tập luyện trong quá trình giao tiếp. Để sau khi góp ý vẫn giữ được sự vui vẻ, tốt đẹp cho mối quan hệ. Thạc sĩ Mãi đưa ra lời khuyên: "Nên bắt đầu góp ý bằng lời cảm ơn, khen ngợi. Sau đó, nêu rõ mục đích là mang tính xây dựng, không phải để chỉ trích. Đồng thời mô tả cụ thể những ảnh hưởng có thể xảy ra hay cảm nhận của bản thân về vấn đề, hành vi đó. Cuối cùng là đề xuất giải pháp cụ thể để cải thiện và lắng nghe chia sẻ của đối phương".‏

‏Thạc sĩ Mãi cũng lưu ý rằng chỉ nên góp ý khi có sự chấp thuận của người nhận và làm điều đó càng sớm, càng tốt. "Nên dùng lời nói tích cực, thể hiện sự đồng cảm với đối phương. Và chỉ tập trung góp ý cụ thể vào sự việc, vấn đề chứ không công kích cá nhân", thạc sĩ Mãi nói. 

Theo TN