Kỹ sư trẻ “bỏ phố” về quê trồng nho Hạ đen

(CTG) Từng vấp phải sự phản đối của gia đình và đối diện với rất nhiều bài toán khó khi là người tiên phong đưa nho Hạ đen về trồng tại quê hương Phú Xuyên, Hà Nội nhưng chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Cương vẫn kiên trì với con đường đã chọn. Hiện nay, Cương không chỉ thực hiện thành công mô hình ở huyện Phú Xuyên mà còn nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Bắc Giang, Hoàng Văn Cương (26 tuổi) nhận được một công việc có thu nhập mà nhiều sinh viên mới ra trường mơ ước. Tuy nhiên, tình yêu và niềm đam mê với giống nho Hạ đen mà Cương biết đến từ thời sinh viên đã thôi thúc chàng trai trẻ khởi nghiệp. Đầu năm 2019, Cương về quê xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) bắt tay vào thực hiện kế hoạch trong sự bất ngờ của gia đình và làng xóm.

"Mình bị mọi người phản đối khá nhiều. Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho mình: Tại sao đi học đại học xong lại về làm nông? Tại sao lại trồng giống cây mà chưa ai thành công trên vùng đất này?”, Cương kể.

Kỹ sư trẻ Hoàng Văn Cương chăm sóc nho
Kỹ sư trẻ Hoàng Văn Cương chăm sóc nho.

Để người thân hiểu Cương quyết định đưa họ đến tham quan các mô hình trồng nho. Vì thế, người thân của chàng trai trẻ dần thay đổi suy nghĩ. Để có đất trồng nho, Cương thuê lại của người dân nhưng tại xã Khai Thái không đủ diện tích nên anh phải chuyển sang xã Hồng Thái.

Có đủ diện tích đất mong muốn, Cương hồ hởi bắt tay vào làm nhưng kiến thức học trên ghế nhà trường và khi áp dụng vào thực tiễn đồng đất quê hương lại không giống nhau khiến chàng kỹ sư trẻ nhiều phen lao đao. Do kỹ thuật chăm bón không đúng cách nên ngay lứa đầu tiên, lượng lớn cây giống bị chết. Cương loay hoay trồng lại mất nhiều thời gian nên lứa quả này bị muộn, cho sản lượng vỏn vẹn gần 3 tạ.

Lứa thu hoạch tiếp theo thậm chí còn mất trắng. Cương buồn bã đứng nhìn hàng tấn nho rụng chỉ sau nửa ngày thân cây ngập nước, do đường thoát nước vô tình bị một công trình xây dựng gần đó chặn lại… Khó nhưng không nản, chàng trai trẻ kiên trì vừa làm vừa khắc phục khó khăn.

Thường trực Huyện đoàn Phú Xuyên tham quan mô hình trồng nho của Hoàng Văn Cương
Thường trực Huyện đoàn Phú Xuyên tham quan mô hình trồng nho của Hoàng Văn Cương.

Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu Cương đã hoạch định mô hình một cách bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt. Quy trình trồng nho theo VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tìm đầu ra, Cương đem sản phẩm đi chào hàng, chủ yếu là các đầu mối, cửa hàng kinh doanh hoa quả tại Hà Nội và Hải Phòng. Nho Hạ đen do chàng trai trẻ trồng giòn, ngọt thơm. Đặc biệt sau nhiều lần thay đổi quy trình chăm bón, cắt tỉa, Cương đã “khắc chế” hoàn toàn nhược điểm của loài nho này là không còn vị chát nhẹ và cảm giác hơi ngứa cổ. Với nỗ lực bền bỉ theo năm tháng, chàng kỹ sư trẻ đã mở rộng diện tích trồng nho tại nhiều địa phương. Tổng sản lượng và thu nhập mỗi 1ha cho thu hoạch 10 tấn nho/năm.

Kỹ sư trẻ “bỏ phố” về quê trồng nho Hạ đen
Kỹ sư trẻ “bỏ phố” về quê trồng nho Hạ đen
Mô hình trồng nho được đầu tư bàn bản.

Hiện nay, Cương đã mở rộng thêm diện tích trồng nho tại Thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) với diện tích 0,6ha; Hữu Lũng (Lạng Sơn) và ở huyện Đan Phượng, Phúc Thọ (Hà Nội).

“Điều mình trân quý nhất chính là vợ luôn ủng hộ công việc của mình. Từ sự động viên ấy mình đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt thành công bước đầu”, Cương cho biết,

Với những thành tích đã đạt được, Cương được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 trong lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế. Cương cũng là minh chứng cho việc người trẻ làm nông không ngại vất vả, dùng kiến thức và công nghệ mới để giải quyết các vấn đề nông nghiệp truyền thống. Đó là cách chàng trai trẻ bền bỉ theo đuổi đam mê và thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc chọn nghề và khởi nghiệp của thanh niên hiện nay.

Theo Bí thư Huyện đoàn Phú Xuyên Nguyễn Thị Ánh, mô hình trồng nho Hạ đen của anh Hoàng Văn Cương được đầu tư bài bản với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt. Quy trình trồng nho theo VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Mô hình đã được phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên lựa chọn là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong công cuộc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện và đầu tư nhân rộng. Tổng sản lượng và thu nhập mỗi 1ha cho thu hoạch 10 tấn nho/năm, nếu bán với giá 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đây là mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu được Thường trực Huyện đoàn quan tâm, đánh giá cao, đề xuất Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện quan tâm hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất.

Theo TTTĐ