Mang ếch xanh, châu chấu vào tiết học, cô giáo Hà Nội giúp học sinh tiếp thu nhanh bài giảng Sinh học

(CTG) Sử dụng giáo cụ trực quan trong dạy học, biến học sinh thành chủ thể hành động, cô Phạm Thị Hải Yến, giáo viên Sinh học trường THPT Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội đã khiến bao thế hệ học trò hứng thú hơn với môn học vốn khô khan này…

Cô Phạm Thị Hải Yến (áo dài đỏ)

Sáng tạo trong giảng dạy

Mang đến hội đồng giám khảo xét chọn giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm học 2018 – 2019 một chú ếch xanh, cô Phạm Thị Hải Yến cho biết, đây là chú ếch mà cô đã nuôi để làm giáo cụ trực quan, giảng dạy cho học sinh trong bài học về quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, đặc biệt là động vật qua biến thái và không qua biến thái.

Theo đó, khi quan sát trực quan chú ếch, các em học sinh của cô Yến hiểu được các đặc điểm về hình thái, cấu tạo và sinh lý của loài động vật này. Tương tự, với tiết học về hô hấp, cô lại mang đến cho học sinh con châu chấu và cốc nước. Bằng thí nghiệm sinh động, cụ thể, học sinh dàng ghi nhớ cơ quan châu chấu của hô hấp nằm ở bụng chứ không phải ở phần đầu.

Chia sẻ về nguyên nhân “ra đời” của những ý tưởng sáng tạo này, cô Hải Yến tâm sự: “Sinh học là một môn học khá khó và trừu tượng. Học sinh của mình có rất nhiều em nghịch ngợm, hay mất tập trung trong giờ học. Nhiều tiết, chứng kiến các em vừa nghe bài giảng vừa ngủ gật, nói chuyện riêng khiến mình rất buồn. Mình nghĩ, chỉ có cách lôi cuốn học sinh, biến chúng trở thành chủ thể hành động mới khiến tiết học đạt được hiệu quả. Quả thật, kết quả đạt được đã khiến mình rất hài lòng”.

Học tập các phương pháp giáo dục tiên tiến, ngay từ khi nhận lớp, cô đã khích lệ từng học trò nói lên ước mơ của mình, từ đó hun đúc để học sinh xây dựng kế hoạch đạt được ước mơ đó. Theo cô Yến, việc giúp học trò có hoài bão được cô coi như chiến lược giáo dục riêng để định hướng chuyên môn từ đầu. Trong giảng dạy, cô khích lệ học sinh của mình bày tỏ quan điểm riêng xung quanh bài giảng để tập thể phản biện và ngược lại, chú trọng vận dụng kiến thức chuyên môn vào cuộc sống.

Yêu trò như con

Trong mỗi giờ giảng, cô sử dụng nhiều phương pháp để tương tác với học sinh. Với phương pháp “điểm lầy lớn nhất,” học sinh sẽ ghi lại những phần kiến thức mà mình chưa hiểu hoặc muốn hiểu kỹ hơn, dán lên bảng, cô đọc các thông tin đó để hiểu được mong muốn của các em. Từ đó, cô giảng thêm và rút kinh nghiệm các phần học sinh quan tâm hay khó hiểu để dạy bài tốt hơn.

Với phương pháp “6 chiếc mũ tư duy,” cô Yến đặt các câu hỏi cho học sinh và sử dụng 6 chiếc mũ với 6 màu khác nhau, mỗi màu tương ứng với một kiểu tư duy như mũ màu đen là tư duy phản biện, màu đỏ là tư duy cảm xúc, mũ màu xanh là tư duy sáng tạo… “Các em sẽ tự lên trình bày ý tưởng của mình. Với phương pháp này, mình giúp cho học sinh học hỏi cách tư duy đa chiều, nhìn và phát triển vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó tự tìm hiểu sâu và phát triển được nội dung bài học. Qua các thế hệ học sinh, mình thấy việc ứng dụng các phương pháp giáo dục tích cực đã giúp cho số học sinh khá giỏi tăng lên, số học sinh trung bình giảm và không còn học sinh yếu kém,” cô Yến cho biết.

Tâm huyết, sáng tạo, yêu nghề, yêu trò là tất cả những gì có thể cảm nhận thấy ngay từ lần đầu tiên phóng viên tiếp xúc với cô giáo đã có 20 năm tròn trĩnh gắn bó với nghề gõ đầu trẻ ở trường THPT Xuân Khanh. Cô chia sẻ: “Mình sinh năm 1977, vốn là học sinh cũ của trường. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1999, mình về trường nhận công tác, cho đến nay là vừa tròn 20 năm”.

20 năm đi qua với bao khát vọng, hoài bão, nhiệt tình, sôi nổi của tuổi trẻ là 20 năm cô gắn bó với bao thế hệ học trò cùng những buồn vui. Tuy nhiên, đọng lại trong trí nhớ của cô chỉ là những niềm xúc động, tự hào và những niềm vui.

“Mình nhớ nhất câu chuyện về cô học trò sinh ra trong gia đình có 4 con gái. Bố mẹ em nhất định không cho em đi học vì “con gái học lắm để làm gì”. Đến vận động gia đình không được, mình bỏ tiền túi ra đóng học 3 năm cho em để em được đến trường, học hết THPT. Sau này, em thi đỗ Đại học Ngoại thương, tham gia một cuộc thi người đẹp được giải ba. Lúc ấy, bố em và em có đến nhà cảm ơn cô giáo và trả tiền cô đóng học phí cho ngày trước. Mình xúc động nhất là khi nghe phụ huynh của em nói: Tôi cảm ơn cô giáo, sau này 3 đứa còn lại, tôi cũng sẽ không bắt chúng nó nghỉ học nữa…”, cô xúc động kể lại câu chuyện.

Hay có một trường hợp học sinh nghịch ngợm khác cô Yến đã từng đạp xe đạp đi tìm để bắt em đến trường. Sau này, em cũng là một trong những học trò thành đạt nhất của cô, vẫn thường xuyên nhớ tới người thầy đã dìu dắt mình năm xưa.

Cô Yến tâm sự: “Học sinh Xuân Khanh còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với các em ở khu vực nội đô. Không phải các em học kém mà do gia đình quan tâm chưa nhiều đến đầu tư cho việc học của con. Vì vậy, từ nhà trường, từ bổn phận, trách nhiệm của một nhà giáo, mình mong muốn bù đắp những khoảng trống ấy, để các em nhận thức được tầm quan trọng của việc học, say mê với tích lũy tri thức để bản thân có một tương lai bớt nhọc nhằn, vất vả hơn”.

Theo TTTĐ