Mạng lưới 2.500 thầy thuốc tư vấn từ xa cho F0, F1

(CTG)-Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành huy động khoảng 2.500 nhân viên y tế từ khắp cả nước, tư vấn, hướng dẫn F0, F1 nguy cơ cao chưa kịp đến cơ sở y tế hoặc đang cách ly tại nhà.

Tính đến chiều 26/7, sau một ngày Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam gửi thư ngỏ, khoảng 1.450 tình nguyện viên đăng ký tham gia mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành. Dự kiến, đến ngày 28/7 mạng lưới sẽ huy động đủ 2.500 thành viên trước khi triển khai rộng rãi. Họ là các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý... làm việc tại khắp các tỉnh thành, nơi chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19.

Mạng lưới này được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19, nhằm tư vấn, sàng lọc, phân loại đánh giá nguy cơ cao các F0, F1 đang cách ly ở nhà. Từ đó, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ nguy cơ phù hợp với từng người và phối hợp với y tế địa phương, tiến sĩ Lê Tuấn Thành, phụ trách nhóm bác sĩ tư vấn của mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành cho biết.

5 đối tượng chính của mạng lưới là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị Covid-19 (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà, sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng, xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với F0.

Đây là nhóm dễ tổn thương và cần quan tâm chăm sóc nhất, bởi trong thời gian này họ chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì mình cần phải/được đưa đi bệnh viện điều trị. Có thể họ cũng chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà. Hoặc, người bệnh chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn.

Vì vậy, mạng lưới không chỉ hỗ trợ người bệnh mà còn góp phần giải áp cho lực lượng y tế địa phương đang quá tải.

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (bìa phải) đang gọi điện tư vấn cho một bệnh nhân Covid-19 TP HCM chiều 26/7. Ảnh: Bạch Dương.
 

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (bìa phải) đang tư vấn qua điện thoại cho một bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM chiều 26/7. Ảnh: Mạnh Cường.

Phương thức hoạt động của mạng lưới là hàng ngày Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các địa phương và các hotline (đường dây nóng) về Covid-19 trên toàn quốc sẽ gửi thông tin của tất cả F0 và F1 về kho dữ liệu chung. Mạng lưới sẽ sử dụng công nghệ để phân chia các trường hợp này cho bác sĩ, vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh.

Các bác sĩ sau đó sẽ chủ động gọi điện thoại đến từng F0, F1 để sàng lọc tình trạng bệnh. Dựa vào bảng kiểm các triệu chứng Covid-19, bác sĩ sẽ hỏi thăm, chấm điểm, đánh giá nguy cơ diễn tiến của từng bệnh nhân, rồi phân loại họ về 5 mức nguy cơ, từ 0 đến 4.

Trong đó, mức 0 và 1 tức là bệnh nhân không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, nguy cơ diễn tiến nặng thấp sẽ thì tiếp tục theo dõi tại nhà. Nhân viên y tế sẽ chủ động gọi điện hai lần mỗi ngày hỏi thăm, theo dõi sức khoẻ, đánh giá lại nguy cơ của F0 và F1. Người bệnh sẽ được hướng dẫn, tư vấn tự chăm sóc như chế độ dinh dưỡng, tập luyện, các loại thuốc cơ bản cần chuẩn bị và cách sử dụng...

Với bệnh nhân ở mức hai, tình nguyện viên là bác sĩ sẽ trực tiếp gọi điện cho bệnh hàng ngày. Nếu sàng lọc phát hiện người bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng đột ngột, có thể bị đẩy lên mức nguy cơ cao 3 và 4 thì bác sĩ của mạng lưới sẽ kết nối, gửi cảnh báo tới Trung tâm Y tế quận, huyện - nơi tiếp nhận thông tin bệnh nhân cần cấp cứu.

Sau gần một tuần chuẩn bị, sáng 26/7, nhóm tình nguyện viên đầu tiên gồm một số bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có mặt tại văn phòng mạng lưới, triển khai các cuộc gọi thí điểm đầu tiên. Bước đầu ghi nhận, người bệnh Covid-19 và các F1 tiếp xúc gần đang rất cần những cuộc gọi như thế này. Tối 28/7, mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành sẽ đào tạo trực tuyến cho 2.500 y bác sĩ tình nguyện viên, sẵn sàng triển khai mạng lưới chính thức trên toàn quốc.

Các chuyên gia đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống công nghệ, nhằm tạo một "tổng đài trên mây" để hàng nghìn y bác sĩ ở các tỉnh khác nhau có thể gọi chung vào một tổng đài, tư vấn từ xa cho hàng nghìn bệnh nhân cùng một lúc. Đồng thời, hệ thống này sẽ đảm bảo đổ dữ liệu của người bệnh về chung một nguồn, để ngày càng nhiều F0, F1 tại cộng đồng được chăm sóc y tế cũng như được bảo mật thông tin.

Tuần trước, hai sở Y tế, Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng đã lập "Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh Covid-19". Theo đó, nếu bản thân hoặc người thân mắc Covid-19, người dân có thể gọi đến cổng thông tin 1022, nhấn phím 3 để được các chuyên gia y tế tư vấn, hướng dẫn cách xử trí phù hợp.

Ngày 15/7, nhận thấy rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu, có vấn đề về sức khỏe ngoài Covid-19 cần được chăm sóc nhưng e ngại đến bệnh viện, bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Tổng thư ký liên chi hội Hành nghề Y tư nhân TP HCM đã kêu gọi đồng nghiệp nhiều chuyên khoa, ở cả bệnh viện công lập và tư nhân, cùng nhau thiết lập mạng lưới tư vấn sức khỏe hoàn toàn miễn phí cho người dân. Sau gần hai tuần kêu gọi, đã có hơn 250 y bác sĩ đã cùng tham gia hoạt động từ thiện cá nhân này.

Các bác sĩ khám online các bệnh đột quỵ, da liễu, dinh dưỡng, nhi khoa, lão khoa, chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt, huyết học - ung thư, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, y học gia đình, tâm lý, tim mạch, sản phụ khoa, y học cổ truyền, dược, ký sinh trùng, bệnh phổi, các bệnh truyền nhiễm (trừ Covid-19)... Với những bệnh nhân cần phải kê đơn thuốc, tùy theo bệnh, bác sĩ sẽ khai thác kỹ các vấn đề liên quan và giới thiệu tên thuốc, để người dân tự đi mua.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM ghi nhận 66.422 ca nhiễm, cả nước đến tối 26/7 tổng số ca nhiễm vượt 100.000.

Thư Anh