Nam sinh từng học trường Y tốt nghiệp xuất sắc Ngoại thương

(CTG) Nghỉ trường Y sau 1,5 năm, dự định du học nhưng không thành, Nhật Ánh thi lại đại học, trở thành sinh viên xuất sắc ở Ngoại thương.

Cuối tháng 4, Nguyễn Nhật Ánh, 24 tuổi, dự lễ tốt nghiệp dành cho hơn 1.000 sinh viên ra trường sớm của Đại học Ngoại thương (FTU). Trong 20 sinh viên tiêu biểu, được hiệu trưởng khen thưởng, chàng trai đến từ Đà Nẵng là đại diện duy nhất của khoa Luật. Nam sinh tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Luật Thương mại quốc tế với điểm trung bình 3,66/4.

"Dù hoàn thành chương trình sớm nửa năm, nhưng thực tế mình đã mất gần 6 năm mới được cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học. Mình đã chờ ngày này rất lâu", Ánh nói.

Nguyễn Nhật Ánh, tân cử nhân ngành Luật Thương mại quốc tế, trường Đại học ngoại thương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Nhật Ánh, tân cử nhân ngành Luật Thương mại quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2018, Ánh trúng tuyển một trường Y ở Hà Nội. Học được hơn một năm, vì hoàn cảnh gia đình, nam sinh xin nghỉ để chuyển vào TP HCM, chuẩn bị hồ sơ du học. Nhưng Covid-19 ập đến, Ánh một lần nữa phải thay đổi kế hoạch.

Tháng 5/2020, Ánh quyết định tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT theo diện thí sinh tự do để lấy điểm xét tuyển đại học. Lần này, nam sinh chọn ngành Luật, trường Đại học Ngoại thương.

"Mình muốn thử sức với một lĩnh vực mới", Ánh nói. Cậu cho biết dù trước đây học Y nhưng vẫn quan tâm đến mảng Kinh tế. Nhận thấy Luật cần thiết cho mọi hoạt động, Ánh muốn chọn trường có thể học cả hai lĩnh vực này.

Ngày cấp ba, Ánh học song song khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) và D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), nên không gặp nhiều khó khăn khi ôn thi lại. Có sẵn nền môn Toán, lại vừa thi chứng chỉ IELTS khi chuẩn bị hồ sơ du học, Ánh chủ yếu học Văn. Nam sinh ôn cấu trúc đề thi, cách làm bài với từng dạng đề và học ý chính của tác phẩm. Kết quả, Ánh đạt gần 27 điểm, trúng tuyển như mong muốn.

Lần thứ hai "Bắc tiến" để học đại học, Ánh không còn bỡ ngỡ. Học chậm hơn các bạn cùng tuổi nên cậu đặt mục tiêu hoàn thành chương trình nhanh nhất có thể. Ngoài các kỳ học chính, Ánh tận dụng hai kỳ hè, mỗi kỳ học vượt 3-4 môn. Phương pháp học của nam sinh là chú trọng suy nghĩ và tự phản biện, gặp vấn đề khó sẽ trao đổi với bạn bè hoặc thầy cô.

Ánh cũng thường ôn thi một mình, không học nhóm. Theo nam sinh, các bài tập chuyên ngành thường yêu cầu giải quyết một vấn đề pháp lý, cần đưa ra được quan điểm cá nhân và các lập luận để bảo vệ.

"Việc này sẽ tốt hơn nếu làm một mình, giúp kích thích tư duy logic, phản biện. Sau đó, mình mới trao đổi với bạn để đưa ra lựa chọn tốt nhất", Ánh cho hay.

Ánh (bên phải) cùng đội thi đạt giải nhì cuộc thi Đại sứ tuyên truyền pháp luật, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ánh (bên trái) cùng đội thi đạt giải nhì cuộc thi Đại sứ tuyên truyền pháp luật, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với các môn đại cương, Ánh vượt qua tương đối dễ dàng, song môn chuyên ngành lại là thử thách lớn.

Môn học mà Ánh thấy khó nhất là Tiếng Anh Pháp lý vào cuối năm thứ ba. Dù khá tiếng Anh, Ánh vẫn "sai be bét" vì bài tập không chỉ yêu cầu hiểu tình huống mà còn phải biết vận dụng kiến thức để đưa ra cách giải quyết. Nam sinh ôn thi bằng cách lên Youtube, tìm những bài nghe có nội dung liên quan tới luật, làm bài tập đọc và viết.

"Ôn rất nhiều nhưng mình chỉ được điểm B (7- dưới 8,5/10). Đây là môn học rất đáng nhớ, không chỉ vì độ khó mà còn vì mình đã rèn được thêm khả năng nghe, đọc tài liệu tiếng Anh liên quan tới luật, pháp lý", Ánh nhớ lại.

Song song việc học, Ánh trải nghiệm nhiều hoạt động khác. Trong hai năm đầu, nam sinh thử sức với lĩnh vực khởi nghiệp, từng vào top 5 một số cuộc thi liên quan. Năm thứ ba, Ánh tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như tư vấn pháp lý, đồng thời làm nghiên cứu khoa học.

Nam sinh tâm đắc nhất với đề tài về bảo mật thông tin giữa doanh nghiệp và người lao động, được thực hiện cùng lúc với khóa luận tốt nghiệp. Ánh và bạn đã phân tích thực trạng này tại Việt Nam, đề xuất giải pháp trên cơ sở kinh nghiệm của Pháp và Mỹ. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Liên đoàn luật sư Việt Nam, số tháng 4 năm nay.

Ánh tuyên truyền pháp luật cho học sinh trường THCS Hương Mai, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ánh chia sẻ kiến thức pháp luật cho học sinh trường THCS Hương Mai, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Mai Thị Chúc Hạnh, giáo viên chủ nhiệm của Ánh, ấn tượng với chất giọng miền Trung cùng sự lễ phép của học trò. Cô đánh giá Ánh ham học hỏi, kiên nhẫn, sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung bài giảng và các hoạt động. Đây cũng là những tố chất cần thiết với mọi vị trí công việc liên quan đến ngành Luật.

Ngoài ra, Ánh tham gia nhiều sự kiện với vai trò khác nhau, như truyền thông, tổ chức, lên ý tưởng, hậu cần. "Bạn ấy rất đa năng. Không nhiều học sinh cùng khóa làm được như vậy", cô Hạnh nhận xét.

Thời gian này, Ánh đang làm hồ sơ xin việc. Cũng có lúc, Ánh áp lực vì bạn bè cùng tuổi đã đạt những thành công nhất định, lương vài chục triệu đồng mỗi tháng. Bù lại, cậu được học hỏi, khám phá bản thân ở một lĩnh vực mới.

"Vì vậy, dù chậm hơn bạn bè một chút, mình vẫn tự hào với những trải nghiệm và bài học đã có", Ánh nói.

Theo Vnexpress