Nhóm giảng viên trẻ và sinh viên sáng chế pin nhiên liệu đa ứng dụng

(CTG) Pin nhiên liệu đa ứng dụng do nhóm giảng viên trẻ và sinh viên sáng chế không những tạo ra tiềm năng kinh doanh lớn, mà còn đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững và sử dụng nguồn năng lượng xanh.

Hành trình sáng tạo cả chục năm

Tiến sĩ Lê Phương Long, bộ phận đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng, Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết vào năm 2013, nhóm sinh viên và giảng viên trẻ của trường đã tham gia 2 cuộc thi khoa học công nghệ về tiết kiệm năng lượng và sử dụng nhiên liệu hiệu quả.

Nhóm giảng viên trẻ và sinh viên sáng chế pin nhiên liệu đa ứng dụng- Ảnh 1.

Pin nhiên liệu đa ứng dụng do nhóm giảng viên trẻ và sinh viên của Trường ĐH Lạc Hồng sáng chế

THANH NAM

Lý giải cho việc dồn tâm sức để nghiên cứu pin nhiên liệu, tiến sĩ Long nói: "Pin nhiên liệu, năng lượng xanh, tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu là một trong những mục tiêu được nêu ra trong 17 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững nguồn năng lượng tại mỗi quốc gia. Vì lẽ đó, nhóm đã rất nỗ lực, quyết tâm để trình làng dự án sản phẩm này. Và để trình làng một sản phẩm khoa học công nghệ không chỉ là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mà đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực này".

Nguyễn Thành Trung, cựu sinh viên Khoa Cơ điện - Điện tử, thành viên của nhóm, cho biết sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm nhiều lần, và có không ít khó khăn đã gặp phải trong thiết kế, chọn vật liệu, thiết bị chế tạo, đo lường... 

Sau thời gian dài dày công sáng tạo, nhóm đã gặt được "quả ngọt" khi sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Minh chứng cụ thể nhất là đến nay nhóm đã sử dụng thành công pin nhiên liệu trên máy bay không người lái, xe mô hình đô thị và tàu ngầm mini.

Sản phẩm pin nhiên liệu đa ứng dụng từng nhận được nhiều giải thưởng đáng tự hào. Chẳng hạn, tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật (do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 2023), pin nhiên liệu đa ứng dụng được ban giám khảo đánh giá "sản phẩm là nghiên cứu mới trong một lĩnh vực năng lượng mới tại VN, đồng thời hàm lượng khoa học cũng được đánh giá cao". Qua đó đoạt giải nhất về ý tưởng chế tạo nguồn năng lượng mới trong tương lai.

Sau đó, tại cuộc thi VietFuture 2023 (do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VN tổ chức), sản phẩm này tiếp tục đoạt giải nhất về ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Nhóm giảng viên trẻ và sinh viên sáng chế pin nhiên liệu đa ứng dụng- Ảnh 2.

Cả nhóm đã dành tâm huyết cả chục năm để sáng chế pin nhiên liệu đa ứng dụng

Nhờ "hữu xạ tự nhiên hương", các thành viên thực hiện sản phẩm này cũng được ĐH Leipzig (Đức) mời viết bản thảo mô hình kinh doanh và bản mô tả giải pháp kỹ thuật để tham gia khởi nghiệp cùng sinh viên Đức vào tháng 5.2024 tới.

Gần đây nhất, dự án thiết kế và chế tạo pin nhiên liệu đa ứng dụng đã vượt qua các dự án vòng sơ khảo ở cuộc thi "Design Thinking - Open Innovation 2023" do Làng tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo Techfest Vietnam tổ chức (cuộc thi được tổ chức theo chủ trương của Bộ Khoa học - Công nghệ về đổi mới sáng tạo - PV), để có mặt tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2023.

Sản phẩm này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của ban giám khảo, nhận được những nhận xét tích cực, đặc biệt là có công nghệ đạt mục tiêu nhiên liệu sạch, sử dụng trong thời gian lâu, tính khả thi cao và có ứng dụng… Nhờ vậy, pin nhiên liệu đa ứng dụng trở thành một trong 10 dự án có mặt tại vòng chung kết được khuyến khích đầu tư để mở rộng sản phẩm và thị trường.

Làm chủ công nghệ, nhiều tiềm năng kinh doanh

Theo tiến sĩ Long, hiện nay sản phẩm sau khi tham gia các cuộc thi đã nhận được những hỗ trợ, tài trợ cả về thiết bị, máy móc và mô hình kinh doanh để chuẩn bị đưa ra thị trường. Kế hoạch chiến lược và mô hình kinh doanh được đánh giá tích cực từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Nhóm giảng viên trẻ và sinh viên sáng chế pin nhiên liệu đa ứng dụng- Ảnh 3.

Sản phẩm pin nhiên liệu đa ứng dụng từng nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng, Trường ĐH Lạc Hồng, dự án đã chính thức tham gia khởi nghiệp trong năm 2023. Nhóm có lợi thế về việc thấu hiểu sản phẩm, làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất và nắm bắt được thị trường VN.

"Chúng tôi nghĩ rằng dự án pin nhiên liệu xanh không chỉ tạo ra tiềm năng kinh doanh lớn, mà còn đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững và sử dụng nguồn năng lượng xanh. Hiện tại chúng tôi tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác và đầu tư từ các doanh nghiệp có tầm nhìn và cam kết với môi trường. Mục đích là cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng, bền vững", tiến sĩ Sơn cho hay.

Nói về định hướng trong thời gian tới, Bùi Hữu Thông, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, thành viên của nhóm, cho biết sẽ "trình làng" sản phẩm với công suất cao hơn và nghiên cứu hệ thống tạo năng lượng bền vững để lưu trữ năng lượng cho sản phẩm này.

Theo Thanh Niên