Những trăn trở dạy nghề cho các em kém may mắn của nữ giám đốc giàu nghị lực

(CTG) “Bản thân là người khuyết tật vận động, từng đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống nên hơn ai hết, chị thấu hiểu những thiệt thòi của những đứa trẻ kém may mắn. Không chỉ dành hết tình yêu thương cho học trò, chị còn nỗ lực xây dựng mái nhà chung, tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn…”, đó là những chia sẻ của chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ “Trái Tim Hồng”.

 

 Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em ở xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chị Quỳnh Nga không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa khi bị khuyết tật vận động từ lúc mới được 6 tháng tuổi. Sự khiếm khuyết ấy cuộc sống của chị là những khó khăn nối tiếp khó khăn. Có nhiều lúc, chị Nga tưởng chừng như mình không vượt qua nổi.

Chị Nga chia sẻ: “Gia đình nghèo, đông anh em nên để có tiền đi học, mình phải tự đi bán nước. Đã có lúc mình nghĩ phải nghỉ học nhưng bản thân đã không được hoàn chỉnh như mọi người, không học sẽ càng vất vả hơn, cuộc sống rồi sẽ ra sao? Nghĩ vậy nên mình cố gắng theo học đến cùng”.

chân dung nữ giám đốc hợp tác xã Trái Tim Hồng 

“Trong suy nghĩ của chị, không có con đường khác ngoài học tập để có thể thay đổi cuộc đời của mình. Chị đã thi đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, ngành sư phạm Mỹ Thuật”, chị Nga chia sẻ thêm.

Sau khi tốt nghiệp với bao ước mơ hoài bão có một công việc ổn định, chị đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Để bươn trải cuộc sống, chị làm trang trí hoa cuới. Sau vài năm chị trúng tuyển vào kỳ thi công chức và là giáo viên của trường giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn.

Chị Quỳnh Nga cùng các bạn trong Hợp tác xã chụp ảnh tại quầy hàng 

Thấu hiểu được hoàn cảnh của các em học sinh cũng giống như mình ra trường khó xin được việc làm, chị nung nấu ý nghĩ sẽ thành lập hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ trên chính quê hương Sóc Sơn của mình để các em khuyết tật Sóc Sơn không phải đi xa học nghề. “Đào tạo nghề và giúp các em có được công ăn việc làm ổn định tự nuôi sống bản thân”, chị Nga nói.

Vậy là mong ước ngày nào của chị cũng đã thành hiện thực. Năm 2015 được sự động viên giúp đỡ của gia đình và sự quan tâm của các ban ngành lãnh đạo chính quyền địa phương, Chị đã thành lập HTX thủ công mỹ nghệ trên mảnh đất 200m của gia đình. Với nhiều ngành nghề được HTX phát triển như thủ công mỹ nghệ, may mặc, photocopy, trồng nấm, làm than sạch, nuôi dê, trồng hoa... đến nay HTX đã đào tạo được nghề cho nhiều người khuyết tật, họ cũng đã tự tin làm chủ, HTX hiện tại có 38 xã viên, nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của họ.

Ngay từ khi thành lập HTX đã gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đến tay nghề của các xã viên, về vấn đề vốn và khó khăn về vấn đề đào tạo nghề còn hạn hẹp… “Khó khăn nhiều là vậy, nhiều lúc chị Nga cũng muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến những người đang đứng sau mình sẽ càng chán nản tiêu cực và thấy bất hạnh, là đầu tàu nên chị phải cố gắng để họ có động lực và yêu cuộc sống hơn”, chị Nga tâm sự.

Từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Nga cùng với sự giúp sức của các ban ngành, HTX đã tham gia được các hội trợ để trưng bày sản phẩm giới thiệu tới tay người tiêu dùng. Với tình yêu thương và sự thương cảm với các hoàn cảnh, chị Nga luôn được mọi người yêu quý tin tưởng, và đáp lại tấm lòng của chị, những sản phẩm của các xã viên đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Từ đó các sản phẩm của HTX "Trái Tim Hồng" dần khẳng định mình, có chỗ đứng trên thị trường và nhiều sản phẩm đạt được các chứng nhận của OCop. Từ nay đến năm 2025 mục tiêu của HTX là mang các sản phẩm ra được thị trường thế giới.

Với vai trò là một giáo viên chị luôn luôn chú trọng đến giáo dục. “Với chị giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Chính vì thế mà chị thường xuyên tham gia các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, nhằm hướng nghiệp đào tạo nghề giúp đỡ các em có hoàn cảnh có 1 cái nghề trong tay. Chị tìm cả nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các lớp đào tạo nghề của HTX, và nâng cao chuyên sâu tay nghề cho các em, để các sản phẩm làm ra đạt chất lượng hơn”, chị Nga chia sẻ.

Một số sản phẩm trong HTX của chị 

Từ khi thành lập tính đến nay HTX Trái Tim Hồng đã đào tạo được 18 khóa học nghề cho hàng trăm người khuyết tật và các hoàn cảnh khó khăn. Như một sợi chỉ nhân duyên, HTX đã xe duyên cho nhiều cặp đôi, giúp họ có một gia đình hạnh phúc và có cơ sở riêng để tạo dựng tương lai. “Chị Nga luôn mong muốn các em có cuộc sống ổn định và hạnh phúc như những người bình thường. Nhiều em đến với trung tâm đến với HTX khuyết tật trí tuệ, khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, nhưng chị và mọi người vẫn kiên trì dạy các em, cầm tay chỉ việc vì gia đình các em tin cậy nơi chị, đây là điều mà chị Nga rất là băn khoăn trăn trở làm sao để các em khuyết tật vẫn có thể làm được một việc gì đó để không bị phụ thuộc quá nhiều vào người khác”, chị Nga nói.

Với những đóng góp của mình, chị Nga là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước vừa được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tôn vinh. Và chị hiện đang là Ủy viên thường trực Hội Người khuyết tật, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn; Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hồng Kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều năm liền chị Nga là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố; Gương người tốt, việc tốt TP. Hà Nội năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội năm 2018; Gương điển hình tiên tiến TP. Hà Nội năm 2018… Được thủ tướng chính phủ trao tặng bằng khen năm 2020 trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc… Mới đây chị và HTX dành được giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2023.

 Một số hình ảnh khác 

Thanh Giang