Sinh viên chế tạo máy in 3D có giá hàng chục đến trăm triệu đồng

CTG - Đam mê chế tạo máy móc và là chủ nhiệm sáng lập nhiều câu lạc bộ tại trường, đến nay nam sinh Nguyễn Văn Lâm đã có công ty chuyên chế tạo máy in 3D có giá từ hàng chục đến trăm triệu đồng.

Sản phẩm nổi trội trên thị trường

Từ nhỏ, Nguyễn Văn Lâm, sinh viên chuyên ngành điều khiển tự động hóa của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã rất thích tìm hiểu về công nghệ. Vào những năm học THPT, khi nhận ra in 3D là xu thế phát triển của thời đại, Lâm đã vô cùng tâm huyết và ấp ủ ước mơ khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ năm nhất đại học, đến tháng 9.2022, Lâm cùng người bạn là Trần Phát thành lập công ty chế tạo máy in 3D đáp ứng nhu cầu trong mảng ô tô, điện và cơ khí.

Sinh viên chế tạo máy in 3D có giá hàng chục đến trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Lâm cùng chiếc máy in 3D do mình sản xuất

"Máy tạo ra sản phẩm có bề mặt láng mịn và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực. Những máy cần độ cơ khí chính xác cao có giá từ 80 - 100 triệu đồng/máy. Ngoài ra, phiên bản dành cho người tiêu dùng dao động từ 10 - 20 triệu đồng/máy", Lâm chia sẻ.

Nam sinh này cho biết quá trình khó nhất trong thiết kế là gia công cơ khí, vì một sai số nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm. "Điều kiện bắt buộc là các linh kiện, thiết bị phải được gia công chuẩn 100%. Ban đầu, các sản phẩm in ra trục trặc liên tục vì linh kiện nhập về không chính xác so với dự kiến trên bản vẽ nên mất khá lâu để chỉnh sửa", Lâm nói.

Khi được hỏi máy in 3D có điểm khác biệt nào so với các dòng khác trên thị trường, Văn Lâm cho hay: "Máy in của mình đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau, có tích hợp cân phẳng bàn in tự động để tự động hóa các thao tác so với các dòng hiện tại vẫn còn khó sử dụng và tốn thời gian sửa. Ngoài ra, máy còn có thêm các thiết bị chống cháy nổ và chống giật cho người dùng".

Hiện tại, dự án khởi nghiệp của Lâm đã liên kết với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Think Smart, chuyên về phân phối các sản phẩm công nghệ có độ phủ sóng trên toàn quốc và nhiều quốc gia, để đưa máy in 3D đến nhiều phân khúc khách hàng.

Ông Tống Đình Quân, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH thương mại dịch vụ Think Smart, chia sẻ: "Lâm đã thực tập tại công ty từ năm nhất, làm việc có sự cố gắng, rõ ràng và rất cầu tiến trong khởi nghiệp. Các máy in 3D của Lâm sản xuất ổn, có chất lượng và nổi trội trên thị trường. Dự kiến tháng 8.2023, công ty sẽ bắt đầu thương mại các dòng máy này ra thị trường".

Sinh viên chế tạo máy in 3D có giá hàng chục đến trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Máy in 3D của Lâm đáp ứng được nhiều lĩnh vực sử dụng

Thượng Hải

Sáng lập câu lạc bộ giúp sinh viên khởi nghiệp

Theo Lâm, khi muốn khởi nghiệp, bắt buộc ý định phải xuất phát từ đam mê, vì dù hiện tại việc khởi nghiệp đang rất phổ biến nhưng các bạn trẻ chỉ mới dừng lại ở các cuộc thi nên rất khó để theo đến cùng.

"Có niềm đam mê thì khi khởi nghiệp sẽ không bị gò bó và hoàn thiện dự án tốt nhất. Và ý tưởng khởi nghiệp đôi khi sẽ đến từ những để ý hay niềm đam mê rất đơn giản của bản thân, từ nền tảng đó các bạn trẻ có thể xây dựng được hướng đi cho các dự án khởi nghiệp của mình", Lâm nói.

Lâm cũng chính là người sáng lập nên CLB Khởi nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và Hội Nhiếp ảnh Nông Lâm, cả 2 CLB đều là những đam mê cá nhân nhưng đã giúp Lâm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên của trường. "Sau một thời gian hoạt động, các CLB đã lan tỏa đam mê nghiên cứu khởi nghiệp và là cơ hội để sinh viên tiếp cận với những người thành công đi trước bằng những kinh nghiệm quý báu", nam sinh này cho hay.

Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở mô hình khởi nghiệp máy in 3D, Lâm còn đang phát triển dự án IoT nông nghiệp là "Hệ thống giám sát trong chăn nuôi heo" nhằm giám sát toàn diện và kiểm tra những loại bệnh kịp thời trong quá trình chăn nuôi theo kiểu trang trại.

"Hiện nay, các trang trại ở VN khá nhiều và quy mô lớn nên rất khó quản lý, vì thế với dự án khởi nghiệp này, mình hy vọng khi áp dụng máy móc vào sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất hoạt động của nông trại. Và đây cũng là đề tài giúp mình vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2022", Lâm cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, nam sinh này bày tỏ: "Hiện nay, có rất nhiều quỹ đầu tư dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp nên sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tiên về kinh phí. Thị trường trực tuyến tạo điều kiện để các bạn dễ dàng tiếp cận và mang sản phẩm đến thị trường. Đặc biệt là có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức cũng hỗ trợ về mặt học thuật và kinh nghiệm cho sinh viên".

Theo TNO