Sinh viên Đà Nẵng đạt Á quân Cuộc thi kiến trúc quốc tế

Chiều 22/6, Đại học Đà Nẵng cho biết nhóm sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đạt giải Á quân Cuộc thi thiết kế kiến trúc cảnh quan quốc tế tại Hong Kong (Trung Quốc) với chủ đề, ý tưởng thiết kế độc đáo:“Tầm nhìn-tuyệt vời-linh hồn-hạnh phúc”.

 
Đồ án Project 0416 đạt giải Á quân của nhóm sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng hướng tới các giải pháp không gian, biến đổi lưu thông, thiết kế và tiện nghi; tân trang lại các không gian bị “lãng quên” trở thành khu vườn Lok Hing Lane, một không gian với các công trình kiến trúc “biết kể chuyện”…  

Với những ý tưởng và giải pháp thiết kế sáng tạo độc đáo, đồ án của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng không những cải biến, khắc phục thực trạng thiếu không gian văn hóa công cộng (vì nhiều lý do khách quan về hình thái, lịch sử và thể chế) mà còn tăng cường tính cộng đồng, đem lại cảm xúc mới mẻ cho cư dân và một không gian công cộng chất lượng cao và sôi động. “Không ai mua một cuốn sách mà nó không có chữ nào. Điều tương tự đối với kiến trúc, liệu có ai sẽ thực sự yêu một nơi chốn nếu nó chẳng kể được câu chuyện nào và chẳng chạm vào được cảm xúc của họ”… 

Một vài góc hiện trạng của khu vực cần cải tạo

Cuộc thi thiết kế kiến trúc cảnh quan quốc tế là cuộc thi quốc tế do UrbanactionsHK và Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Chinese University of Hong Kong (top 100 thế giới và top 10 châu Á) tổ chức nhằm khơi dậy những ý tưởng sáng tạo của sinh viên để cải thiện không gian công cộng tại các quận trung tâm của Hong Kong. 

Cuộc thi thu hút 49 đồ án của các nhóm tác giả đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, thể hiện tính cạnh tranh cao ở tầm quốc tế đòi hỏi các đồ án không chỉ có chất lượng, giải pháp thiết kế xuất sắc mà còn phải đề xuất chiến lược, giải pháp qua đó giải quyết được các vấn đề về không gian công cộng ở đô thị hiện đại bậc nhất thế giới như Hong Kong. 

Được biết, trước đó sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cũng đã giành giải Nhì Cuộc thi Kiến trúc quốc tế tại Busan, Hàn Quốc. Điểm đặc biệt là cả 4 sinh viên của nhóm đạt Á quân Cuộc thi tại Hong Kong năm nay gồm Trần Minh Sang, Phan Ngọc Tường Vi, Phạm Đình Hồ Trọng Ân (cùng lớp 17KT2 CLC) và Trần Nguyễn Gia Hân (18KT2 CLC) đều mới chỉ là sinh viên năm thứ 2, 3.

Đồ án của nhóm trên trang web BTC cuộc thi:

Thuyết minh dự án: “Tầm nhìn – Tuyệt vời – Linh hồn - Hạnh phúc”

Khu vườn Lok Hing Lane đã giải quyết thỏa đáng hầu hết các vấn đề của địa điểm này; tuy nhiên, không gian đã không được khai thác hết tiềm năng của nó: Không gian công cộng lỗi thời và cồng kềnh có một số khu vực nhỏ có sẵn nhưng hầu hết thời gian bị bỏ trống và không được sử dụng.

Chúng tôi đã làm việc hướng tới các giải pháp cho không gian, và đây là những gì chúng tôi đã kết thúc: thực hiện các biến đổi về lưu thông, thiết kế và tiện nghi; tân trang lại các không gian bị lãng quên, và cuối cùng là cố gắng biến không gian trở thành công trình kiến trúc biết kể chuyện.

Khu vực dành cho người đi bộ

Chúng tôi cố gắng tăng cường tiện nghi cho người sử dụng không gian bằng cách định vị cầu thang, cảnh quan và chỗ ngồi một cách chu đáo.

Chúng tôi cũng xem xét các bức tường trần trụi; chúng tôi cố gắng tái thiết kế và khuyến khích việc sử dụng chúng.

Khi người đi bộ bị kéo ra vỉa hè, trước mắt họ sẽ là hệ thống “tán cây” được hình thành từ vải bạt nhiều màu sắc, giúp tối ưu hóa việc sử dụng không gian vào mùa hè. Hệ thống cho phép loại bỏ các tán cây vào mùa đông.

Các bục nhỏ trên đó có những câu chuyện lịch sử của Hồng Kông được xen kẽ giữa các khoảng trống của băng ghế kiểu lượn sóng. Chúng tôi tin rằng đây là cách không gian kể những câu chuyện, truyền đạt kiến thức cũng như kích thích sự tò mò và cảm hứng của người sử dụng không gian này.

Đối với các gian hàng

Trên làn đường nhỏ dẫn đến lối vào bên hông của cây cầu, sẽ có những gian hàng tròn với chiều cao và mật độ khác nhau chào đón người đi bộ ngồi và thư giãn.

Dọc theo Phố Pottinger và đối diện với tầng trên của Vườn Lok Hing Lane, bốn gian hàng bán mở được thay thế bằng một bề mặt linh hoạt và có thể ở được. Sự đa dạng của các loại và kích thước gợn sóng bề mặt vừa có thể cung cấp cho người đi bộ các tùy chọn chỗ ngồi khác nhau và nâng cao hình thái có tính đột phá cho cảnh quan.

Kết luận, nhóm thiết kế cho rằng: “Không ai mua một cuốn sách mà nó không có chữ nào. Điều tương tự đối với kiến trúc, liệu có ai sẽ thực sự yêu một nơi chốn nếu nó chẳng kể được câu chuyện nào và chẳng chạm vào được cảm xúc của họ?” (Dịch từ thuyết minh của đồ án trên trang web của BTC cuộc thi).

Trước đó, sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cũng đã giành giải Nhì Cuộc thi Kiến trúc quốc tế tại Busan, Hàn Quốc. Câu chuyện 4 sinh viên mới học năm thứ 2 và thứ 3 của Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng giành được giải thưởng trong cuộc thi Kiến trúc quốc tế một lần nữa lan toả cảm hứng cho các bạn sinh viên trẻ với thông điệp: Hãy không ngừng ước mơ và điều kỳ diệu sẽ đến!.

Nội dung: VGP và DUT

T.LN3