Sinh viên Học viện Cán bộ đâu chỉ làm công chức nhà nước

(CTG) Chiều 16-9, lần đầu tiên Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức chương trình hội thảo khoa học kết hợp giao lưu, trao đổi, kết nối việc làm cho sinh viên.

Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM trao đổi về cơ hội việc làm tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

Tham dự có cán bộ lãnh đạo phòng nhân sự của các sở, ban, ngành, đại diện các tổng công ty, doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi chính phủ, các luật sư trên địa bàn TP… cùng đông đảo sinh viên của trường.

Buổi giao lưu diễn ra sôi nổi dưới hình thức hỏi đáp, trắc nghiệm, phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng tại chỗ. Nhiều sinh viên học viện bày tỏ băn khoăn khi thực tế rất nhiều người vẫn cho rằng sinh viên trường cán bộ chỉ có thể xin vào cơ quan nhà nước làm công chức, cơ hội nghề nghiệp rất hạn chế, nhất là khi liên tục nhiều năm qua TP.HCM không thi tuyển công chức.

Trong khi đó, các nhóm ngành dịch vụ, thương mại dường như không có chỗ cho những người tốt nghiệp chuyên ngành chính trị, quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thuận - đại diện làng SOS - chia sẻ về cơ hội việc làm - Ảnh: TỰ TRUNG

Giải đáp mối lo lắng này, các khách mời khẳng định trong bối cảnh cởi mở như hiện nay, tấm bằng đại học không phải là tất cả. Để nắm bắt cơ hội việc làm, sinh viên cần phải có các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc…

Riêng với khối cơ quan nhà nước, nếu TP chưa tuyển dụng công chức thì vẫn còn rất nhiều vị trí viên chức trong nhiều cơ quan, đơn vị đang chờ tuyển dụng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện làng SOS khu vực phía Nam, khẳng định sinh viên hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay lúc còn ngồi ghế nhà trường.

“Làng SOS chúng tôi khi tuyển người lúc nào cũng yêu cầu phải có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với trẻ - đó là điều bắt buộc. Vậy thì TP này có hàng ngàn mái ấm nhà mở. Ngay khi còn đi học, các bạn sinh viên chuyên ngành công tác xã hội hãy đến đó tổ chức các chương trình thiện nguyện” - ông Thuận nêu ví dụ.

Đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cho biết ngân hàng này đã từng tuyển dụng cả những sinh viên chưa có bằng tốt nghiệp, còn nợ tín chỉ, chưa có kinh nghiệm. “Chỉ cần sinh viên cho nhà tuyển dụng cảm nhận được nhiệt huyết, khao khát được làm việc cũng như tố chất phù hợp với vị trí - họ sẽ được chọn".

Các sinh viên đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

Khép lại hội thảo, cả khách mời và sinh viên đều mong muốn đây sẽ là bước khởi đầu để mở ra những ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm cho sinh viên các chuyên ngành hành chính công, quản lý nhà nước, công tác xã hội… trong tương lai.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, phó giám đốc Học viện Cán bộ TP, cho biết đến nay số sinh viên đại học hệ chính quy học viện đang đào tạo khoảng trên 1.700 sinh viên.

Năm học 2019-2020 là năm học cuối của sinh viên đại học quản lý nhà nước hệ chính quy. “Lần đầu tiên trường tổ chức một hội thảo với tính chất cầu nối như hôm nay với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được tiếp cận các cơ hội việc làm trong tương lai” - cô Trang chia sẻ.

Học viện Cán bộ TP hiện có 5 ngành đào tạo đại học: quản lý nhà nước, chính trị học; công tác xã hội; luật; xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.

 Theo TTO