Nhiều cơ hội hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam – Colombia

(CTG) Ngày 5/7, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Chính phủ Colombia do bà Constanza Lilanza Alarcón Pá rraga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động TB&XH về công tác giáo dục nghề nghiệp.

 

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề.

Tiếp đoàn công tác có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng; cùng đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục.

Thay mặt Đoàn công tác, bà Constanza Lilanza Alarcón Pá rraga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia cho biết, Chính phủ Colombia đã có nhiều chính sách để quan tâm đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và hoạt động sản xuất. Bên cạnh kỹ năng nghề, lao động Colombia còn thiếu kỹ năng mềm, khả năng thích ứng hạn chế nên dễ bị chủ sử dụng lao động sa thải. Chính vì vậy, Bộ trưởng bày tỏ sự quan tâm và muốn tìm hiểu về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam để từ đó tăng cường cơ hội hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng mong muốn, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thông tin với đoàn công tác về đặc điểm hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, mối liên kết giữa giáo dục nghề nghiệp, nhà trường với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm. Bên cạnh đó, công tác giáo dục kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học; đổi mới công nghệ và đưa công nghệ mới ứng dụng trong giáo dục nghề nghiệp…

Phó Tổng cục Trưởng Trương Anh Dũng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến cải thiện kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt quan tâm về đào tạo nhân lực. Trong cơ cấu nhân lực qua đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chiếm từ 80 đến 90%. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện nay có tới 1954 cơ sở, trong đó khoảng 900 trường trung cấp, cao đẳng còn lại hơn 1000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Khung trình độ quốc gia bao gồm 8 bậc trình độ, trong đó bậc 1 đến 5 thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Trong hai năm gần đây, quy mô tuyển sinh mỗi năm đạt 2,2 triệu (trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 20%), theo kế hoạch trong 5 năm tới tăng quy mô tuyển sinh lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng quy mô, Tổng cục đang tập trung để nâng cao chất lương đào tạo với nhiều giải pháp trong đó phải kể đến các giải pháp lớn như: chuẩn hóa, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp.

Trao đổi với đoàn công tác Colombia, đại diện các đơn vị của Tổng cục đã chia sẻ một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề cho học sinh, cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết khi ra trường để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo đó, tại Việt Nam hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang tập trung đào tạo kỹ năng lao động, bên cạnh kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, ngoài các chương trình đào tạo trang bị các môn học, còn có các môn học phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kiến thức pháp luật…

Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay, Tổng cục đã giao cho các trường phối hợp với doanh nghiệp trong việc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho chính các bạn học sinh, sinh viên. Đây chính là nguồn nhân lực chính để doanh nghiệp tuyển dụng khi các em ra trường.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn đều có cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp nhận học sinh, giáo viên, giảng viên đến thăm quan, thực hành thực tập…

Bộ trưởng Constanza Lilanza Alarcón Pá rraga cám ơn và đánh giá cao những thông tin mà Tổng cục chia sẻ và đề xuất trong thời gian tới hai bên tiếp tục trao đổi sâu hơn để tăng cường cơ hội hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia như: Trao đổi đoàn cấp cao hai bên, trao đổi thực tập sinh, giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang công tác, học tập…

Nguyễn Đức