Thủ khoa tiếp sức gen Z: Văn chương, cảm hứng lấy từ đâu?

CTG - Video đầu tiên trong "series" video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" chính thức khởi đăng. Các thủ khoa đến từ nhiều trường đại học sẽ đồng hành cùng thí sinh với tất tần tật những bí quyết, kinh nghiệm có thể giúp các bạn chiến thắng được kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z", từ hôm nay (11.4), mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ) trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn.

Trong video đầu tiên này, thí sinh 2k5 (sinh năm 2005) được gặp gỡ chàng thủ khoa điển trai, tài năng Võ Lập Phúc (thủ khoa toàn quốc khối D14, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 2020).

Chàng thủ khoa Võ Lập Phúc chỉ ra những câu hỏi mà Phúc đúc kết được khi đã từng học ôn thi môn ngữ văn, từng khó khăn, vấp ngã và đã từng thấy bản thân mình trăn trở và chứa đầy hoài nghi.

Câu hỏi đầu tiên: "Đã bao giờ khi các bạn làm văn, đang viết và giữa chừng ngưng lại vì không biết viết câu tiếp theo như thế nào, không biết phải viết những gì và viết ra sao?". Câu hỏi thứ 2: "Đã bao giờ các bạn cảm thấy đang đầy cảm hứng nhưng nghĩ đến việc phải ngồi liên tục 120 phút để viết một bài văn, để định hình suy nghĩ, phải dàn trải cảm xúc của mình và các bạn thấy nó thật là khó khăn?". Và câu hỏi thứ 3: "Đã bao giờ các bạn băn khoăn: những gì mình đang viết có thật sự đi vào lòng người? Có phải là những gì mà thầy cô yêu cầu ở bài viết của mình hay không?".

Thủ khoa tiếp sức gen Z: Văn chương, cảm hứng lấy từ đâu? - Ảnh 2.

Chính từ những câu hỏi lớn thường gặp này, Phúc chọn chủ đề đầu tiên để chia sẻ với thí sinh là: Văn chương, nguồn cảm hứng lấy từ đâu?

Phúc cho rằng cảm xúc khi viết văn, đặc biệt là nghị luận văn học, liên quan rất nhiều đến hành trình sống và trải nghiệm của mỗi người. "Những câu chuyện cảm hứng khi chúng ta thi tốt nghiệp THPT không phải là cảm hứng như nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp có thể mất 10 năm, 20 năm, 30 năm… để thai nghén và định hình tác phẩm một cách hoàn chỉnh. Nhưng chúng ta không thể như vậy, bởi vì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đến với chúng ta một lần trong năm, vì vậy câu chuyện cảm hứng khi thực hiện bài thi sẽ phải rất khác, chúng ta cần một ít mẹo để có thể ứng dụng và dàn trải cảm xúc một cách hài hòa hơn", Phúc chia sẻ.

Và chàng thủ khoa "bật mí" cho thí sinh 3 mẹo. Đầu tiên, Phúc cho rằng đừng nên nghĩ rằng phải tìm kiếm cảm hứng từ cái gì đó thật là phức tạp, sâu xa hay vĩ mô… Mà tìm kiếm cảm hứng bằng cách tích lũy cảm xúc thông qua việc chúng ta viết mỗi ngày.

"Viết ở đây không nhất thiết là viết những cái gì đó thật lớn lao, thật đao to búa lớn. Hãy viết 3 câu, 4 câu... và viết khi các bạn đang đọc một quyển sách, đang nghe một bài nhạc và cố gắng kỷ luật bản thân mình ở chỗ sẽ viết thật tròn trĩnh câu văn đó ở trên trang giấy. Ngắn gọn thôi, nhưng nó thể hiện được đúng cảm xúc của bạn", Phúc chỉ ra.

Thủ khoa tiếp sức gen Z: Văn chương, cảm hứng lấy từ đâu? - Ảnh 3.
 

"Tips" (mẹo) thứ 2 theo Phúc là hãy tìm đến những bài hát mà các bạn thích, đặc biệt là những bài hát có lời bằng tiếng Việt, tìm kiếm những quyển sách hay mà các bạn vẫn thường đọc. Khi chúng ta cảm nhận những lời bài hát đó, trang văn đó và đột nhiên cảm thấy trong mình có gì đó muốn viết, muốn bày tỏ, thì lúc này đừng ngần ngại để ngay lập tức viết ra những gì mà các bạn suy nghĩ.

Và "tips" cuối cùng mà chàng thủ khoa muốn gửi gắm: "Tips này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực vận dụng ngôn ngữ, năng lực diễn ngôn và bút lực của các bạn. Và điều này đòi hỏi các bạn phải bắt tay sớm ngay từ ngày hôm nay, có thể ngay sau khi các bạn xem xong video này và các bạn bắt đầu thực hiện nó. Đó chính là hãy cố gắng xây dựng mở bài cho bài nghị luận văn học đúng theo phong cách của các bạn".

Theo Phúc, để có một mở bài có thể sử dụng cho hầu hết các đề nghị luận văn học thì phải sử dụng đến lý luận văn học. Bởi vì sử dụng lý luận văn học là con đường khả dĩ nhất để chúng ta kết hợp, kết nối và hài hòa nó trong hầu hết các đề bài về nghị luận văn học có thể ra trong đề thi.