Nhận học bổng du học bậc tiến sĩ ở Mỹ trị giá hơn 7 tỉ đồng
Anh Tuấn Anh sinh ra trong gia đình viên chức ở TP.Hà Nội, có bố là bộ đội công binh, từng học Khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mẹ làm nội trợ. Anh Tuấn Anh cho biết được thừa hưởng gien ham học từ bố và mẹ luôn theo sát hoạt động ở trường.
Năm 2010, anh Tuấn Anh tốt nghiệp thủ khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy đam mê tìm hiểu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng thời điểm đó ở nước ta chưa phát triển, vì vậy anh Tuấn Anh đã tìm cơ hội đi du học để mở mang kiến thức.
"Năm 2010 thì ngành công nghệ thông tin đã khá phát triển ở VN nhưng thiên về gia công phần mềm. AI ngày đó dựa trên các kỹ thuật cổ điển nên có ứng dụng giới hạn và chưa phát triển nhiều ở VN. Ngày đó ở trường đại học, mình chỉ được học nhập môn AI và một môn hơi gần với lĩnh vực thị giác máy tính là xử lý ảnh. Nhìn chung là cơ hội để tiếp cận và ứng dụng các kiến thức về AI chuyên sâu ngày đó là khá hạn chế. Các công cụ, ngôn ngữ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển AI cũng không đa dạng và dễ tiếp cận như hiện nay", anh Tuấn Anh kể lại.
Từ năm 2010 - 2012, anh Tuấn Anh lần lượt làm kỹ sư phần mềm ở hai công ty là Novellus và Emotiv. Cả hai công ty đều có trụ sở chính ở Mỹ và chi nhánh VN. Tại hai công ty này, anh Tuấn Anh được tạo điều kiện học hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp của công ty đa quốc gia, cũng như có thời gian chuẩn bị đăng ký du học.
Năm 2012, anh Tuấn Anh sang Mỹ học tiến sĩ tại ĐH Nam California, thông qua học bổng VEF (Vietnam Education Foundation). Đây là một chương trình học bổng hợp tác giữa chính phủ VN và Mỹ, hoạt động từ năm 2003 - 2016. Để đạt được học bổng này, anh Tuấn Anh phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn rất khắt khe.
Anh Tuấn Anh được miễn toàn bộ học phí trong quá trình theo học tại Mỹ. Trong 2 năm đầu, anh Tuấn Anh cho biết nhận học bổng từ VEF để chi trả tiền sinh hoạt. Trong các năm tiếp theo, trường cam kết sẽ trả lương cho anh. Tổng giá trị học bổng bao gồm học phí được miễn và lương trợ cấp cho 5 năm học tiến sĩ của anh Tuấn Anh là hơn 7 tỉ đồng.
Thời gian đầu sang Mỹ, anh Tuấn Anh cho biết gặp may mắn khi có những người Việt theo học tại ĐH Nam California các khóa trước giúp đỡ trong quá tìm nhà và ổn định đời sống. Thời gian đó, anh Tuấn Anh không gặp vấn đề gì khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè trong trường; nhưng đôi lúc khó khăn khi nói chuyện với người bản địa. Ngoài ra, do một số trục trặc giấy tờ, gần 3 tháng đầu sang Mỹ, anh Tuấn Anh không nhận được tiền học bổng.
Xin nghỉ việc tại Amazon để thỏa đam mê nghiên cứu AI
Năm 2017, anh Tuấn Anh nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Nam California. Từ 2018 đến giữa 2019, anh Tuấn Anh có cơ hội làm việc tại Amazon (Mỹ). Tại đây, tiến sĩ này làm nghiên cứu ứng dụng Amazon Rekognition (một kho phần mềm điện toán đám mây cung cấp hàm xử lý nâng cao về hình ảnh và video mà doanh nghiệp có thể tích hợp vào hệ thống của mình, trên cơ sở trả tiền theo nhu cầu sử dụng). Cụ thể, sản phẩm của nhóm anh Tuấn Anh là FaceAPI mà Amazon cung cấp qua AWS (một công ty con của Amazon, cung cấp các nền tảng điện toán đám mây) cho khách hàng doanh nghiệp, phục vụ các thao tác nhận diện và phân tích hình ảnh khuôn mặt. Anh Tuấn Anh tham gia nghiên cứu, hướng đến cải thiện thuật toán, nâng cao độ chính xác.
Dù có công việc đáng mơ ước tại một trong những công ty về công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, nhưng anh Tuấn Anh lại không thỏa mãn được sở thích nghiên cứu: "Ở Amazon, các nghiên cứu phải hướng đến sản phẩm thương mại của công ty, vì vậy mình không có điều kiện để tìm hiểu về chủ đề yêu thích. Sự nghiệp nghiên cứu của mình gần như bị chững lại khi làm việc tại đây. Khi nghe tin ở VN thành lập VinAI (Viện AI thuộc Vingroup), nơi có thể tự do làm nghiên cứu đỉnh cao về chủ đề mình thích, đồng thời được góp sức đào tạo, hướng dẫn các nhân tài tương lai của VN trong lĩnh vực AI; mình cảm thấy rất phấn khích và quyết định rời Amazon về làm ở VN".
Hiện nay anh Tuấn Anh làm chuyên gia nghiên cứu tại VinAI. Công việc chính là hướng dẫn thực tập sinh làm nghiên cứu các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực thị giác máy tính (một lĩnh vực quan trọng trong AI, chuyên về phân tích và xử lý hình ảnh, video, hoặc dữ liệu 3D), hướng đến công bố khoa học tại những hội nghị hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, anh Tuấn Anh cũng dành một phần thời gian hỗ trợ các nhóm phát triển sản phẩm công nghệ.
Vượt qua những khó khăn, thử thách, anh Tuấn Anh và các thực tập sinh đã đạt được nhiều thành tựu rất tự hào: trong gần 4 năm, đã xuất bản hơn 15 bài báo khoa học tại các hội nghị lớn trên thế giới về AI. Nhờ đó, anh Tuấn Anh đã giúp đỡ nhiều thực tập sinh hoàn thiện hồ sơ để đi du học tại nhiều trường top đầu về kỹ thuật như: ĐH Carnegie Mellon, ĐH Maryland, ĐH Wisconsin - Madison (đều tại Mỹ)...
Trong tương lai, anh Tuấn Anh muốn thực hiện được nhiều hơn nữa các nghiên cứu đỉnh cao, đặc biệt là những công trình có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tiến sĩ mong muốn khẳng định vai trò của VN trên bản đồ AI thế giới. Tiến sĩ Tuấn Anh cũng hy vọng các công trình của mình có thể ứng dụng nhiều hơn, giúp cải thiện đời sống con người. "Mình muốn tiếp tục truyền cảm hứng và giúp đỡ các bạn trẻ có tiềm năng khai phá và phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo", anh Tuấn Anh nói.
Anh Nguyễn Quốc Đạt, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, trưởng phòng xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại VinAI, đồng nghiệp với anh Tuấn Anh hơn 4 năm, cho biết: "Tuấn Anh luôn lạc quan, hiền lành, thân thiện và đam mê nghiên cứu. Về chuyên môn, Tuấn Anh là một trong những chuyên gia nghiên cứu về thị giác máy tính xuất sắc. Tuấn Anh trực tiếp hướng dẫn các bạn thực tập sinh (trong chương trình đào tạo ươm mầm tài năng AI VinAI residency program) nghiên cứu để có nhiều bài báo khoa học tại các hội thảo hàng đầu thế giới về AI và thị giác máy tính. Ngoài ra, những nghiên cứu của Tuấn Anh có tính ứng dụng cao, được áp dụng vào trong các sản phẩm của VinAI".
Theo TN