Tiến sĩ trẻ tận tâm với nghề

(CTG) Sinh năm 1989, Vũ Thị Tuyết, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã trở thành tiến sĩ. Cô cũng là một trong tấm gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được tuyên dương năm 2019.

Tiến sĩ Vũ Thị Tuyết

Những năm học đại học Vũ Thị Tuyết luôn giành được học bổng. Tốt nghiệp thủ khoa Ngữ văn, cô được giữ lại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 làm giảng viên. Hoàn thành luận thạc sĩ, 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cô Tuyết một lần nữa khẳng định bản thân khi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ trước 30 tuổi.

Cô gái chia sẻ, ước mơ trở thành giáo viên từ hồi còn nhỏ khiến Tuyết miệt mài học tập. Khi thi đỗ vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô luôn thôi thúc bản thân phải rèn luyện tốt và phấn đấu học lên cao hơn nữa.

Năm 2015, cô gái 8X bắt đầu nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và hoàn thành bảo vệ luận án vào năm 2018 khi 29 tuổi. “Thực sự khi làm luận án, tôi cũng rất cố gắng để cân đối giữa công việc của trường, việc học và việc gia đình nhưng bản thân đặt mục tiêu bằng bất cứ giá nào cũng phải học xong đúng thời hạn, để thực hiện nhiều dự định khác. Trong khi làm luận án, có lúc tôi cảm thấy bế tắc vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, thầy hướng dẫn và được các anh chị học cùng quan tâm nên tôi đã hoàn thành đúng thời hạn”, nữ giảng viên chia sẻ.

Chọn công trình “Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt”, cô Tuyết chia sẻ, mục đích nghiên cứu của đề tài là tập trung tìm hiểu nghĩa chuyển, ý nghĩa biểu trưng, cơ chế tạo nghĩa biểu trưng của từ ngữ ở trường nghĩa chỉ thực vật và vật thể nhân tạo trong ca dao tình yêu người Việt...

Hiện nay, cô Tuyết công tác tại khoa Giáo dục Tiểu học nên rất quan tâm tới đối tượng trẻ em. Cô cho rằng, trẻ em cần được quan tâm và bảo vệ. Để xây dựng môi trường hạnh phúc cho các em cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, người lớn cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để thấu hiểu và trân trọng. Có như vậy, các em sẽ luôn được sống trong môi trường hạnh phúc.

Tận tâm với việc giảng dạy cho sinh viên ngành sư phạm, thời gian tới, cô Tuyết mong muốn các bạn trẻ của nhà trường bước vào nghề sẽ là những người thầy người cô tuyệt vời của từng thế hệ học sinh.

Theo TTTĐ