Trẻ em không nên học code?

(CTG) Một số phụ huynh liên lạc với tôi sau khi đọc phát biểu của Jensen Huang, CEO Nvidia: 'Trẻ em không nên học code'.

Con cái họ đang tham gia các khóa học lập trình hoặc môn tin học chương trình quốc tế, trong đó việc viết mã (coding) được cho là chiếm phần lớn dung lượng.

Theo ông Huang, con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI và lập trình không còn là kỹ năng quan trọng nữa. Ông cho rằng trí tuệ nhân tạo đang đảm nhận công việc này ngày một tốt, do đó con người nên tập trung vào các chuyên môn có giá trị hơn như sinh học, giáo dục, sản xuất hoặc nông nghiệp.

Ý kiến này tạo ra những cuộc tranh cãi lớn với hai phe ủng hộ và phản đối khá cân bằng.

Vậy "học coding" thực sự là học gì? Đó có phải trào lưu giáo dục sớm nở tối tàn tương ứng một - một với các trào lưu công nghệ đang thay đổi chóng mặt không?

Trong lĩnh vực giáo dục, hiểu một cách đơn giản, học lập trình là học một "ngoại ngữ", giúp con người và máy tính (cỗ máy vô tri) giao tiếp thông suốt với nhau. Qua quá trình giao tiếp này, tư duy của con người tận dụng được sức tính toán vô hạn của máy móc để giải quyết những vấn đề từ đơn giản như tạo lịch nhắc việc tự động đến vô cùng phức tạp như quản trị hành chính số. Từ đó hình thành năng lực mới là tư duy máy tính (computational thinking) trong kỷ nguyên mà máy móc can thiệp vào mọi ngõ ngách của đời sống.

AI cùng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) ra đời, đóng vai trò thông dịch viên, giúp cuộc đối thoại người - máy trở nên dễ dàng. Do đó yêu cầu về "ngoại ngữ máy" thấp hơn nhiều (low-code no-code), nên giới công nghệ dự báo "ai cũng có thể lập trình". Tuy vậy cũng không thể lập luận kiểu có máy phiên dịch tự động thì thôi không phải học ngoại ngữ ở mức căn bản (như tiếng Anh) nữa.

Trong tư duy máy tính - hệt như học ngoại ngữ - lối học vẹt, chỉ biết từng từ rời rạc hoặc lặp lại các công thức ngữ pháp trong giáo trình chỉ dẫn đến thất bại giáo dục. Người học không áp dụng được vốn "ngoại ngữ" vào giao tiếp trực tiếp, tăng cường tư duy, trao đổi tri thức giữa các bên thì việc học lập trình từ khi mẫu giáo hay khi học chuyên ngành Khoa học máy tính đều vô nghĩa.

Tôi nghĩ ông Huang sử dụng từ "học coding" ám chỉ lối học vẹt công nghệ, và cụm từ "định hướng khoa học máy tính" mà ông phát biểu sau đó, hướng tới việc áp dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề đời sống, chứ không phải tên một chuyên ngành. Học coding cũng không có nghĩa là chỉ học cách lập trình một chương trình cụ thể, mà điều quan trọng, cốt lõi hơn là học cách tư duy, cách xử lý vấn đề theo hướng thuật toán và các ứng dụng công nghệ. Chỉ có vậy con người mới làm chủ công nghệ, hướng công nghệ vào tương lai nhân bản và bền vững.

Từ trước khi có sự ra đời của ChatGPT (cột mốc chứng tỏ AI là nhân tố thiết yếu của tương lai), việc đề xuất tích hợp học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình Tin học (Computing) phổ thông đã được các nhà giáo dục về công nghệ nghiên cứu và triển khai. Điển hình là tháng 11/2019, UNESCO đã công bố "Báo cáo về giáo dục, đào tạo giáo viên và học tập Trí tuệ Nhân tạo: Tổng quan các vấn đề trọng yếu"; trong đó xác định năm trụ cột để hướng dẫn AI cho giáo dục phổ thông:

Tính không chắc chắn và ngẫu nhiên: Hiểu tính ngẫu nhiên và chấp nhận sự không chắc chắn hoặc khả năng sống trong một thế giới nơi các mô hình không còn mang tính quyết định;

Kỹ năng lập trình và tư duy máy tính: cho phép các cá nhân sáng tạo bằng mã và giải quyết vấn đề thông qua các thuật toán;

Nhận thức về dữ liệu: cụ thể là khả năng xây dựng, thao tác và trực quan hóa lượng lớn dữ liệu;

Tư duy phê phán: thích ứng với một xã hội kỹ thuật số ngày càng phát triển và cuối cùng là một loạt câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn về con người của chúng ta trước những thay đổi mà AI mang lại;

Chủ nghĩa nhân văn hậu AI: xem xét lại các khái niệm chính như trí thông minh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, 'sự thật'...

Báo cáo cũng khẳng định phải sớm trang bị tri thức này cho toàn thể học sinh, đảm bảo công bằng giáo dục và làm nền tảng cho phát triển bền vững xã hội số.

Dễ thấy, kỹ năng lập trình và tư duy máy tính vẫn được xếp vị trí cao, song hành với các kỹ năng phổ dụng của thế kỷ XXI: tư duy phê phán, tư duy dữ liệu, nhận thức luận về đạo đức.

Trong thực tiễn giáo dục phổ thông, chương trình Tin học định hướng Khoa học máy tính của của Bộ Giáo dục Singapore, xuất bản 2023 định hướng 2025, bốn hợp phần kiến thức gồm: Thuật toán và cấu trúc dữ liệu, Chương trình tin học (Programming), Dữ liệu và thông tin, Mạng lưới máy tính. Tức là coding vẫn chiếm vị trí nhất định, nhưng định hướng đầu ra không phải viết mã chỉ để viết mã, mà thông qua đó giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề, nâng cao nhận thức của các công dân tương lai về sự can thiệp của máy tính vào xã hội, đạo đức, kinh tế, pháp luật.

Đây cũng là xu hướng chung của giáo dục thế kỷ XXI, thông qua việc tích hợp các tri thức mới nổi (đặc biệt là công nghệ), hướng người học đến mục tiêu chung sống với nhau trong một thế giới kết nối vạn vật: con người - thiên nhiên - công nghệ.

Thông qua trường hợp này, ta thấy rằng thiết chế giáo dục có một độ trễ nhất định so với các phát kiến mới liên tục của cuộc sống, nhưng không vì thế mà ta đi theo lối tư duy nhị nguyên "thôi học cái A, phải đưa cái B vào chương trình", liên tục thay đổi kiểu đẽo cày giữa đường.

Nếu có phương pháp và chiến lược giảng dạy đúng đắn, hoàn toàn có thể cập nhật tri thức mới trong sự nối tiếp với các tri thức kinh điển. Điều hệ trọng là sự bền vững của giáo dục, hướng đến phát triển hài hòa các năng lực căn bản sao cho các công dân tương lai có tâm thế vững vàng và trách nhiệm bền bỉ trong một thế giới không ngừng chuyển động.

Theo Vnexpress