Tuổi 20: Xây dựng thương hiệu cá nhân thế nào để sống đúng giá trị?

CTG - Thương hiệu cá nhân là cách bạn truyền thông về bản thân mà còn là cách mọi người nhận thức và nhớ về bạn.

Tôi thường đặt một câu hỏi: Mục đích cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân là gì?

Xây dựng thương hiệu cá nhân để làm gì?

Các câu trả lời phổ biến là: để được nổi tiếng, nhiều người biết tới; để thuận lợi trong việc kinh doanh, kiếm tiền; để tạo sự khác biệt...

Tôi cho rằng các câu trả lời đó chỉ là "ngọn" chứ không phải gốc rễ.

Với tôi, việc xây dựng thương hiệu cá nhân đúng cách không chỉ là tạo ra một hình ảnh nổi bật trước công chúng hay làm giàu.

Nó chính là quá trình sống, làm việc, xử thế theo những giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi, giúp xác định rõ ràng về những việc sẽ làm và không làm, hướng tới việc trở thành con người mà mình muốn trở thành.

Tôi đặt tiếp câu hỏi: Nếu mọi giấc mơ của bạn đều sẽ trở thành hiện thực, bạn muốn mình trở thành người như thế nào? Câu trả lời chính là thương hiệu cá nhân mà bạn muốn xây dựng.

Vậy thương hiệu cá nhân là cách bạn trình bày bản thân và giá trị của mình với mọi người. Đó không chỉ là những gì bạn truyền thông về bản thân mà còn là cách mọi người nhận thức và nhớ về bạn qua những hành động, quan điểm và cách bạn cư xử, tương tác với thế giới xung quanh.

Vậy làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả?

Tuổi 20: Xây dựng thương hiệu cá nhân thế nào để sống đúng giá trị?- Ảnh 2.

Bước 1: Tự đánh giá và định vị

Xác định đam mê và mục tiêu: Viết ra danh sách những gì bạn đam mê và những mục tiêu dài hạn của bạn trong sự nghiệp và cuộc sống; Xác định cách thức bạn có thể kết hợp đam mê của mình vào công việc.

Phân tích điểm mạnh và điểm yếu: Sử dụng các công cụ như phân tích SWOT để xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Hỏi ý kiến từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp để có cái nhìn đa chiều.

Xác định giá trị cốt lõi: Những nguyên tắc và giá trị nào hướng dẫn hành động và quyết định của bạn? Một số giá trị cốt lõi phổ biến: Trung thực - Tôn trọng - Trách nhiệm - Yêu thương -Tích cực - Học hỏi - Chuyên nghiệp - Uy tín...

Xác định đối tượng mục tiêu: Xây dựng bản mô tả chi tiết về đối tượng mục tiêu: bao gồm độ tuổi, ngành nghề, sở thích, vị trí địa lý và nhu cầu.

Bước 2: Phát triển kỹ năng và tích lũy kiến thức

Học hỏi và nâng cấp bản thân: Tham gia các khóa học trực tuyến, workshop và sự kiện chuyên ngành... để mở rộng kiến thức và kỹ năng. Đọc sách, bài báo và những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực của bạn.

 

Chuyên môn hóa: Chọn một lĩnh vực hoặc chủ đề cụ thể mà bạn muốn trở thành chuyên gia. Tập trung phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực đó.

Bước 3: Tạo dựng hình ảnh phù hợp trên không gian mạng

Chọn lựa và tối ưu hóa hồ sơ trên các nền tảng mạng xã hội phù hợp với đối tượng mục tiêu. Sử dụng mạng xã hội một cách hữu hiệu: LinkedIn, Instagram, Facebook, TikTok... để đăng tải bài viết, dự án và thông tin chuyên môn, thể hiện kiến thức và kinh nghiệm của bạn.

Xây dựng website cá nhân hoặc blog: Một nơi để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm cá nhân.

Đăng tải nội dung thường xuyên và tương tác với cộng đồng để xây dựng mối quan hệ.

Nhất quán về hình ảnh và thông điệp: Đảm bảo rằng hình ảnh và thông điệp bạn truyền đạt trên mọi nền tảng và trong đời thật là nhất quán.

Bước 4: Xây dựng mạng lưới mối quan hệ

Tham gia các nhóm và diễn đàn trực tuyến, cũng như sự kiện và hội thảo để kết nối với người khác trong ngành. Sử dụng LinkedIn để kết nối với chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực của bạn.

Chia sẻ và giúp đỡ người khác: Cung cấp giá trị cho cộng đồng thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bạn.

Mentor và Mentee: Tìm kiếm những người hướng dẫn có kinh nghiệm để học hỏi và nhận hướng dẫn. Cân nhắc trở thành người hướng dẫn cho người khác để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bạn.

Bước 5: Xây dựng sự ảnh hưởng

Chia sẻ kiến thức: Viết blog, tạo video hoặc podcast để chia sẻ kiến thức và quan điểm của bạn. Tham gia làm diễn giả hoặc tổ chức workshop và webinar.

Cộng tác: Làm việc với các chuyên gia khác trong lĩnh vực của bạn để tạo ra nội dung chung hoặc dự án. Đóng góp cho các dự án cộng đồng hoặc tổ chức từ thiện.

Bước 6: Đánh giá và điều chỉnh

Thu thập phản hồi: Yêu cầu phản hồi từ đồng nghiệp, khách hàng và đối tượng mục tiêu về cách họ nhìn nhận thương hiệu cá nhân của bạn. Lắng nghe và học hỏi từ phản hồi để cải thiện.

Đánh giá định kỳ: Đặt thời gian định kỳ (ví dụ: hằng quý hoặc hằng năm) để đánh giá kết quả của việc xây dựng thương hiệu cá nhân và có những điều chỉnh cần thiết.

Tóm lại, xây dựng thương hiệu cá nhân là một quá trình bền bỉ và lâu dài, giúp tuổi 20 không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn sống một cuộc đời ý nghĩa.

Tôi rất thích cách xây dựng thương hiệu cá nhân của một người bạn, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân. Công thức xây dựng thương hiệu cá nhân của cô là: Xuất sắc trong chuyên môn; Chia sẻ nội dung giá trị; Hiện diện trực tuyến mạnh mẽ; Hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp và Tích cực đóng góp cho cộng đồng.

Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân

Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân

Xuất sắc trong chuyên môn: Nguyễn Phi Vân có hơn 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo cao cấp về quản trị thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền tại các khu vực thị trường đang phát triển như châu Á, Trung Đông, châu Phi, và Đông Âu. Nhờ vậy, cô sở hữu kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong lĩnh vực nhượng quyền.

Chia sẻ nội dung giá trị: Cô là tác giả của 6 cuốn sách về nhượng quyền và kỹ năng cho người trẻ; viết nhiều bài báo, tổ chức các khóa học và workshop, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về nhượng quyền. Việc liên tục cập nhật và chia sẻ kiến thức mới nhất, xu hướng trong ngành nhượng quyền giúp Phi Vân trở thành một chuyên gia đáng tin cậy.

Hiện diện trực tuyến mạnh mẽ: Nguyễn Phi Vân xuất hiện thường xuyên trên nhiều nền tảng như Facebook, LinkedIn, YouTube, TikTok, qua đó tạo điều kiện để kết nối với cộng đồng, chia sẻ kiến thức và xây dựng mối quan hệ.

Hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp: Nguyễn Phi Vân luôn duy trì hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp và thân thiện, từ cách ăn mặc, quấn khăn đến cách thể hiện tự tin, vui vẻ, hòa đồng trước công chúng.

Tích cực đóng góp cho cộng đồng: Nguyễn Phi Vân đang giữ vai trò cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia, chủ tịch Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép Việt Nam; đồng thời là nhà sáng lập và chủ trì Thư viện ước mơ với hơn 140 thư viện được xây dựng ở những vùng quê nghèo khó. Phi Vân cũng tích cực tham gia giảng dạy, tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Một câu chuyện truyền cảm hứng khác trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân là Michelle Phan. Michelle bắt đầu sự nghiệp bằng cách tạo video hướng dẫn trang điểm trên YouTube. Với phong cách trình bày dễ thương và chuyên nghiệp, cô nhanh chóng thu hút hàng triệu người theo dõi. Cô sau này đã sử dụng thương hiệu cá nhân của mình để thành lập công ty mỹ phẩm "EM Cosmetics", chứng minh rằng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ có thể mở ra cơ hội kinh doanh lớn.

Hay H'Hen Niê, với việc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật và được yêu mến nhất trong ngành giải trí Việt Nam. Với hình ảnh mạnh mẽ, cá tính và truyền cảm hứng, cô đã xây dựng thành công thương hiệu cá nhân và trở thành đại sứ cho nhiều chiến dịch về giáo dục, quyền lợi phụ nữ và trẻ em.

Theo Tuoitre