Về quê làm nông sản sạch

(CTG) Với mong muốn đóng góp cho nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, nhóm thanh niên tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã quyết định rời phố thị về quê để xây dựng mô hình hợp tác xã mang tên “Lục Ngạn xanh”. Họ là những người trẻ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn xây dựng ý tưởng, dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản và bước đầu cho trái ngọt.

Chăm sóc hoa cúc tại Hợp tác xã Lục Ngạn xanh.
Chăm sóc hoa cúc tại Hợp tác xã Lục Ngạn xanh.

Xuất phát từ tình yêu dành cho nông sản sạch, năm 2018, nhóm thanh niên tại huyện Lục Ngạn gồm: Nguyễn Thị Minh Thùy (sinh năm 1993), Hồ Kiều Oanh (sinh năm 1988) và Nguyễn Văn Hảo (sinh năm 1992) cùng nhau thành lập Hợp tác xã Lục Ngạn xanh ở xã Đồng Cốc. Họ đều có điểm chung là còn trẻ, có cơ hội lập nghiệp ở thành phố nhưng đã chọn con đường về quê để làm nông nghiệp.

Lúc mới thành lập, hợp tác xã có tám thành viên và hiện nâng lên 22, trong đó có sáu nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số. Hợp tác xã đề ra mục tiêu góp phần phát triển nông nghiệp xanh và nâng cao vai trò của phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trở thành đối tác tin cậy của khách hàng.

Không chỉ trồng, cung cấp nông sản tươi và sạch ra thị trường, hợp tác xã còn chú trọng khâu chế biến với đa dạng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, nhất là cải tạo đất, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ trong sản xuất”.

Có thể kể đến các khu canh tác dưa lê, dưa chuột, hoa cúc chi, táo... của hợp tác xã hiện nay hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong quá trình sản xuất. Hợp tác xã đã làm chủ kỹ thuật tự sản xuất chế phẩm vi sinh và kỹ thuật bón hợp lý cho một số loại cây trồng; chủ động tìm thị trường qua kênh online, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, doanh thu theo đó tăng mạnh hằng năm...

Năm 2021, dự án “Ứng dụng công nghệ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, tuần hoàn trên địa bàn huyện Lục Ngạn” của nhóm tác giả Hợp tác xã Lục Ngạn xanh đoạt Giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang. Nhờ canh tác theo hướng an toàn, chú trọng chất lượng sản phẩm cho nên giá bán các loại nông sản, dược liệu của hợp tác xã cao hơn so với phương thức canh tác thông thường.

Quan trọng hơn, sức khỏe của người dân trực tiếp sản xuất, người tiêu dùng và môi trường chung quanh ít bị tác động tiêu cực; từ đó, hợp tác xã đã góp phần không nhỏ thay đổi thói quen sản xuất phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học của người dân sang canh tác theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Hợp tác xã Lục Ngạn xanh chủ yếu phát triển lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 25 ha, trong đó vải thiều 15 ha (đạt chứng nhận VietGAP), còn lại 10 ha trồng táo, ổi, na, hoa cúc chi. Ở lĩnh vực chế biến, hợp tác xã có một xưởng sấy vải (sản phẩm đạt OCOP 3 sao), một xưởng sấy mì Chũ truyền thống tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương và một xưởng sấy trà dược liệu (trà hoa cúc chi, bạc hà, vải, gừng, sả, quế)... Đây là nhóm sản phẩm hợp tác xã có thế mạnh về vùng nguyên liệu, kiểm soát được mức độ an toàn đầu vào, có quy trình chế biến hoàn thiện.

Theo chị Nguyễn Thị Minh Thùy, không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng, hợp tác xã còn chú trọng bao bì đựng sản phẩm, nhãn mác với hình thức bắt mắt, phù hợp để sử dụng hay dùng làm quà biếu tặng. Mới đây, hợp tác xã khai trương một cửa hàng tại đường Thánh Thiên, thành phố Bắc Giang để giới thiệu, đưa thực phẩm hữu cơ và tự nhiên đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, hợp tác xã đang đẩy mạnh đa dạng hóa các loại mặt hàng nông sản, mở rộng các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, kênh online và bước đầu khá thành công. Tuy nhiên, chị Thùy cũng thừa nhận, quá trình nghiên cứu, chế biến sản phẩm không có tư vấn, chuyển giao mà do các thành viên tự nghiên cứu, rút kinh nghiệm cho nên mất nhiều thời gian, chi phí và thâm hụt tài chính.

Hiện hợp tác xã đang tập trung xác định lại nhóm sản phẩm chủ lực, tránh làm dàn trải nhiều mặt hàng trong khi nguồn lực còn hạn chế. Hợp tác xã mong được hỗ trợ, tư vấn và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến bền vững, ổn định trong thời gian tới.

Theo Nhân Dân