Vì sao người trẻ đi... chữa lành?: Khi những bế tắc bủa vây  

(CTG) Những câu chuyện đáng buồn về việc người trẻ tìm đến cái chết vẫn còn dai dẳng, để lại nỗi ám ảnh cho người thân, gia đình và cả xã hội. Những bạn từng có ý định tự tử thì cho rằng họ luôn phải đối diện với bế tắc bủa vây.  

 
 
 
 Nhiều người trẻ đi chữa lành cũng từng phải đối diện với bế tắc, khủng hoảng và có lúc nghĩ đến cái chết để mong được giải thoát.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, hiện nay áp lực thì nhiều  nhưng kỹ năng đương đầu và chịu đựng căng thẳng  của người trẻ lại rất kém   Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, hiện nay áp lực thì nhiều nhưng kỹ năng đương đầu và chịu đựng căng thẳng của người trẻ lại rất kém

 

Không biết cách nào để vượt qua

Từng có ý định tự tử, N.V.K (sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM) chia sẻ với người viết: "Nhiều khi áp lực về tiền bạc, định kiến xã hội, học tập, tình cảm ập đến cùng một lúc khiến mình cảm thấy rất ngột ngạt. Lúc ấy cảm giác như bản thân bị dồn vào chân tường khiến mình nghĩ đến chuyện tự tử để giải thoát".

Khi được hỏi những lúc gặp chuyện bế tắc hay căng thẳng sao không tìm người tin cậy để chia sẻ, thì K. bày tỏ: "Mình nghĩ ai cũng có vấn đề và họ không có nhu cầu nghe những lời than vãn. Do đó, mình không tâm sự với ai cả".

5 năm trước, N.N.D (24 tuổi, ngụ TP.HCM) từng tìm đến cái chết nhiều lần, nguyên nhân là vì mượn một số tiền khá lớn để giúp đỡ người khác nhưng rồi bị lừa mất hết nên rơi vào bế tắc. "Lúc đấy còn đang là sinh viên, số tiền bị lừa quá lớn nhưng mình lại không dám kể cho gia đình. Một đứa sinh viên chân ướt chân ráo lên thành phố, lại không chia sẻ được với ai, chỉ chịu đựng một mình nên thành ra nghĩ quẩn rồi muốn tự tử", D. kể lại.

D. cho biết bản thân đã từng đứng trên thành cầu định gieo mình xuống dưới. "Lúc đó không thể tìm được cách giải quyết nào, bản năng con người khi cảm thấy bế tắc sẽ tìm đến cái chết. Thú thật là 5 năm trước, tuổi mới lớn nên va chạm thực tế thì không có, kinh nghiệm sống thì thiếu trầm trọng, cho nên khi gặp vấn đề là mình gục ngã ngay, không biết làm thế nào để giải quyết hay vượt qua", D. chia sẻ.

Cũng từng tự tử nhưng không thành, T.M.H (26 tuổi, ngụ Bình Định) kể lại khoảnh khắc ám ảnh ấy: "Năm đó mình khoảng 15 - 16 tuổi, mình đứng ở nơi cao nhất trên sân thượng, chỉ cần nghiêng người, buông tay, mọi thứ chấm dứt. Thế nhưng chẳng ai chạy ra ôm lấy mình. Mình nghĩ 1 giây trước khi chạm đất hẳn là đau đớn lắm và sau đó liệu gia đình có đau lòng, bạn bè có xót xa, có ai bật khóc vì mình? Nhưng rồi cuối cùng mình dừng lại. Mình nghĩ có lẽ cuộc sống của bản thân không mấy tươi đẹp, hoặc nếu chết đi cũng chẳng ai cảm thấy mất mát. Nhưng không thể vì vậy mà bỏ rơi chính mình".

Khi được hỏi lý do vì sao lúc đấy lại dại dột như vậy, H. ngậm ngùi chia sẻ: "Vì gia đình xảy ra biến cố lớn nên kết quả thi chuyển cấp của mình không được như ý muốn. Vốn dĩ từng là một đứa được cả họ hàng kỳ vọng, nhưng sau hôm đó mình nhận lại sự coi thường và dè bỉu. Không có ai bên cạnh quan tâm mình, kể cả bạn bè. Với một đứa trẻ thì việc không được yêu thương là tồi tệ nhất. Sống trong một môi trường ngột ngạt như vậy thì không khác gì đã chết".

Kỹ năng đương đầu và chịu đựng rất kém

PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN, cho rằng bây giờ các bạn trẻ đang sống trong một thế giới có rất nhiều áp lực và hoang mang. Họ kết nối với internet nhiều thì càng có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý khi chịu những lời chỉ trích, tấn công, bắt nạt ở trên mạng. Thậm chí là so sánh mình với người khác khiến những điều muốn khẳng định ngày càng trở nên quá mức so với sức mà bản thân có được. Chưa kể, sau đại dịch Covid-19, người trẻ quay trở lại trường học cùng với một cuộc sống dường như bị căng thẳng nhiều hơn. Thậm chí trong thời gian qua những vấn đề bạo lực trong trường học và xã hội có xu hướng tăng...

Nhiều người trẻ cho biết họ thường phải đối diện  với những bế tắc bủa vây

Nhiều người trẻ cho biết họ thường phải đối diện với những bế tắc bủa vây

Ông Nam cũng chỉ ra rằng, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hội nhóm hướng dẫn người trẻ cách thức tự tử. "Những hội nhóm này rất tiêu cực và đáng lên án, loại bỏ. Nhưng đáng lo ngại hơn hết là nó lại thu hút sự tham gia của lượng lớn các bạn trẻ đang bị lo âu, trầm cảm, không được cha mẹ lắng nghe. Tất cả những điều trên có thể đang tạo ra nhiều áp lực khiến người trẻ rơi vào nguy cơ của việc tự tử", ông Nam nói.

Bên cạnh đó, ông Nam còn cho rằng thời buổi bây giờ áp lực thì nhiều nhưng kỹ năng đương đầu và chịu đựng căng thẳng của người trẻ lại rất kém. "Những đứa trẻ ngày nay được gia đình bao bọc quá kỹ, cho nên việc chịu khó, kiên trì để vượt qua những khó khăn là không có. Vì thiếu những trải nghiệm thực tế nên khi va vấp khó khăn sẽ nghĩ đến việc bỏ cuộc, trốn chạy nhiều hơn. Và ở một khía cạnh nào đó, khả năng chịu đựng, năng lực phục hồi sau mỗi lần thất bại của người trẻ cũng kém", ông Nam chỉ ra.

Ông Nam cũng cho rằng điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có những kỹ năng để chăm sóc và "vệ sinh" sức khỏe tinh thần. Những cách thức rất đơn giản để loại bỏ các hormone gây stress đó là tham gia hoạt động ra mồ hôi, duy trì giấc ngủ chất lượng để đầu óc minh mẫn hơn và để không bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tiêu cực. Nên tham gia các hoạt động xã hội, kết nối với nhiều người để rèn một số kỹ năng giải quyết vấn đề, giảm những áp lực hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi về mặt nhận thức, suy nghĩ tích cực hơn. Mỗi sự việc bao giờ cũng có mặt tốt và xấu nhưng đừng chỉ chăm chăm vào cái xấu.

Không những thế, theo ông Nam, cần xây dựng một gia đình an toàn, cách ứng xử của ba mẹ phải dân chủ và phù hợp, không được dựa trên sự trừng phạt khắc nghiệt hay lớn tiếng mắng mỏ con trẻ. Môi trường học tập cũng phải an toàn, ngăn chặn bạo lực học đường. Nhà trường phải trang bị kỹ năng "vệ sinh" sức khỏe tinh thần để mỗi đứa trẻ có thể tự giải quyết các mâu thuẫn. Đồng thời, mỗi cá nhân phải tự rèn năng lực chịu đựng căng thẳng và vượt qua thất bại. Chỉ có như vậy mới thích ứng được với xã hội có nhiều áp lực và biến đổi liên tục như hiện nay. (còn tiếp)

Theo TN