Việt Nam sẽ chống dịch như thế nào khi COVID-19 chuyển sang giai đoạn 2?

Sáng nay 25-2, Bộ Y tế họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác năm 2020. Chống dịch COVID-19 như thế nào khi dịch chuyển sang giai đoạn mới là trọng tâm của hội nghị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết cơ quan chức năng đã đồng thuận giảm thuế nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ chống dịch, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang.

Ông Cường cũng cho biết báo cáo của Cục Quản lý dược cho biết có tình trạng thu gom kháng sinh, thuốc phòng chống dịch.

“Hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ, như nhân lực tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, cơ sở y tế tại chỗ, hiện các điều kiện này đều đáp ứng được” - ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Trung Thảo - phó chủ tịch UNND tỉnh Cao Bằng - cần xem xét việc xuất khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang qua biên giới. Theo đó, thời gian vừa qua có nhiều vụ xuất hàng số lượng lớn. 

“Nếu xuất khẩu số lượng quá lớn trong khi trong nước không có hàng thì phải xem lại” - ông Thảo nói.

Tại Cao Bằng, thời gian qua đã có xấp xỉ 1.400 người từ Trung Quốc về nước qua các đường mòn lối mở của Cao Bằng, từ ngày 13-2 tỉnh này đã quá tải khu cách ly, từ ngày 14 đến 21-2, tỉnh đã chuyển hơn 500 người về tuyến sau cách ly. 

Cách ly cả khu vực có dịch có ý nghĩa quan trọng 

Tại cuộc họp, các điểm cầu rất quan tâm kinh nghiệm tổ chức cách ly ổ dịch tại Vĩnh Phúc. Theo đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, hiện 11/11 người nhiễm COVID-19 của tỉnh này đã khỏi bệnh.

Như vậy toàn bộ 16/16 người nhiễm bệnh tại Việt Nam đã khỏi bệnh.

 

Theo ông Trần Như Dương - tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại tâm dịch Sơn Lôi - việc cách ly Sơn Lôi cách đây 2 tuần do khi đó đây là tâm dịch, có lây lan ra cộng động, uy hiếp khu vực bên ngoài. Việc khoanh vùng cách ly Sơn Lôi không chỉ chống dịch riêng ở Vĩnh Phúc và "chúng ta phải cảm ơn xã Sơn Lôi". 

Việc giám sát ca nghi ngờ sớm nhất là rất quan trọng, tổ công tác đã triển khai nhiều biện pháp như lập danh sách toàn bộ nhân khẩu của 2.774 gia đình ở Sơn Lôi, tập huấn cho 30 nhóm, trang bị cho họ biểu mẫu, thiết bị. 

Ngay trong đêm có bản tin ngắn gọn về việc theo dõi sức khỏe toàn dân, thông báo dịch cho tất cả người dân biết. Nhóm này hàng ngày đến từng gia đình đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe, có vấn đề là báo tin ngay cho y tế. 

Ngoài ra, bố trí 2 xe cứu thương, 1 xe chuyển bệnh nhân thông thường, 1 xe chuyển bệnh nhân nghi ngờ COVID-19. 

Đây là những kinh nghiệm quan trọng cho những khu vực khác nếu có yêu cầu cách ly. Hiện toàn bộ người mắc bệnh của tỉnh Vĩnh Phúc đã khỏi bệnh và 10 ngày nay không ghi nhận ca nhiễm mới.

Cách ly thêm 7 ngày với người nghi nhiễm

Ông Dương cũng cho hay những người nghi nhiễm sau cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly, cần theo dõi tại nhà thêm 7 ngày, có sự hỗ trợ của y tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ông Dương và tổ công tác biên soạn một sổ tay hướng dẫn cách ly, để có thể áp dụng khi có trường hợp tương tự.

"Hướng dẫn" này sẽ phải gửi ngay ngày 26-2.

Theo TTO

T.LN2